Polymer sinh học được sử dụng rất đa dạng từ sản xuất bao bì phân hủy sinh học, bảo quản nông sản sau thu hoạch cho tới làm phụ gia trong thực phẩm như chất tạo gel, chất ổn định, chất kháng khuẩn....
Polymer sinh học là chất dẻo có nguồn gốc từ các nguồn sinh khối tái tạo như chất béo thực vật, tinh bột hoặc vi sinh. Với những ưu điểm thân thiện với môi trường và khả năng ứng dụng đa dạng, polymer sinh học đang được nghiên cứu, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Đây là xu thế công nghệ đang thu hút sự quan tâm tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, polymer sinh học được sử dụng rất đa dạng từ sản xuất bao bì phân hủy sinh học, bảo quản nông sản sau thu hoạch cho tới làm phụ gia trong thực phẩm như chất tạo gel, chất ổn định, chất kháng khuẩn....
Trước xu thế đó, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức chương trình báo cáo “Phân tích xu hướng công nghệ” với chủ đề “Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng polymer sinh học trong công nghiệp thực phẩm”.
Chương trình được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.
Ngoài những thông tin tổng quan nghiên cứu và ứng dụng polymer sinh học trong công nghiệp thực phẩm trên thế giới và tại Việt Nam, hội thảo sẽ giới thiệu những kết quả nghiên cứu và ứng dụng polymer sinh học tại trường Đại học Nha Trang do PGS.TS. Ngô Đăng Nghĩa, Nguyên Viện trưởng Viện sinh học và môi trường - Đại học Nha Trang trình bày.
Cùng với đó, TS. Lê Minh Hùng từ Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch và TS. Hoàng Xuân Tùng thuộc Đại học Bách Khoa TP.HCM cũng giới thiệu về ứng dụng màng polymer sinh học trong bảo quản trái cây sau thu hoạch và sản xuất vật liệu phân hủy sinh học trong sản xuất bao bì.
Nguồn: Sở KH&CN TP. HCM