Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững vùng ĐBSCL 4:00 PM,5/27/2019

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp quốc gia và sinh kế cho hàng triệu hộ dân nông thôn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp của vùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động biến đổi khí hậu và xu thế cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt. Để phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL bền vững, rất cần có một chiến lược, giải pháp đồng bộ ứng phó với những thách thức trước mắt và lâu dài.

                  

Sản xuất nông nghiệp chưa bền vững

Với diện tích đất tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, dân số gần 18 triệu người, ĐBSCL là khu vực rộng và đông dân thứ hai trong các vùng kinh tế của Việt Nam. Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp, hàng năm đóng góp 55% sản lượng lương thực, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% lượng trái cây, 65% lượng nuôi thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. ĐBSCL có 3/6 mặt hàng nông nghiệp của cả nước (gạo, tôm và cá tra) đạt kim ngạch xuất khẩu từ 3-5 tỷ USD/năm, các sản phẩm thủy sản của vùng đã có mặt tại thị trường của 135 quốc gia/vùng lãnh thổ. 

Là vùng kinh tế trọng điểm, có vị trí đặc biệt quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước, tuy nhiên thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng chậm và khả năng cạnh tranh thấp. Nguyên nhân là do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn xâm nhập và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc tổ chức sản xuất chưa tốt, còn manh mún, nhỏ lẻ, canh tác theo tập quán cũ, chậm chuyển đổi sang cơ chế thị trường, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ mới để đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất còn hạn chế… cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp trong vùng. Thống kê cho thấy, tổng mức đầu tư cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt là vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp so với tổng đầu tư toàn xã hội, dẫn đến việc sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng và trình độ kỹ thuật công nghệ. Mặt khác, trước bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra ở nhiều nơi, nguồn lao động ở nông thôn đang có xu hướng giảm và “lão” hóa, do lao động trẻ ở nông thôn có trình độ và học vấn cao thường có xu hướng rời bỏ lĩnh vực nông nghiệp và lao động phổ thông di dân đến làm việc tại các thành phố lớn ngày càng tăng. Đây là cản trở lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh ở ĐBSCL trong hiện tại và tương lai. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển thiếu bền vững của vùng ĐBSCL đã bộc lộ trong những năm gần đây khi tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng đã chậm lại (từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng 5% vào giai đoạn 2011-2016). Năm 2017, tăng trưởng nông nghiệp đạt 2,77%, giúp tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,39% so với năm 2016. Rõ ràng, sự tăng hay giảm của ngành nông nghiệp đều có tác động rất quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Đầu tư cho KH&CN để phát triển

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, đầu tư ứng dụng KH&CN vào sản xuất được coi là con đường hiệu quả nhất giúp sản xuất nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Những năm gần đây, việc ứng dụng thành tựu của KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao trong nông nghiệp đã được nhiều quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như: Israel, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đặc biệt quan tâm và Việt Nam - một đất nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp cũng không phải là ngoại lệ. 

Những năm gần đây, việc ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao đã được triển khai tại một số địa phương trong vùng mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như: Công ty RYNAN AgriFoods (Trà Vinh) đã đề xuất việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp thông minh dựa trên nhu cầu sử dụng phân bón. Sau 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu từ Hoa Kỳ và Israel về cách làm phân bón tan chậm có kiểm soát, Công ty RYNAN AgriFoods đã chế tạo thành công sản phẩm phân bón thông minh RYNAN SMART FERTILIZERS. Đây là những viên phân chứa đủ các khoáng chất vi lượng, khi bón gặp nước sẽ trương nở, sau đó phân tán ra theo mưa, nắng và sẽ phân hủy hoàn toàn theo từng thời kỳ phát triển của cây lúa. Loại phân bón này giúp nông dân giảm 50% về lượng so với phân bón thông thường và chỉ cần bón một lần thay vì 4 lần... với số lượng sử dụng bằng một nửa phân bón thông thường. Hiện nay, Công ty đang hợp tác với các hộ nông dân ở Đồng Tháp triển khai mô hình “canh tác lúa lý tưởng” trong vụ đông xuân 2017-2018 trên diện tích 7,6 ha tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đây là mô hình canh tác thông minh, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng phân bón và chế phẩm sinh học để tăng chất lượng lúa gạo, thực hiện liên kết sản xuất cho đến tiêu thụ. Đặc biệt, người dân canh tác không cần ra đồng vì tất cả đều được kết nối và điều khiển qua thiết bị thông minh. Mô hình này đã giúp nông dân giảm gần 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất, cùng với đó là giảm được 50% lượng khí thải nhà kính. 

Tập đoàn Lộc Trời (Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang) đã đầu tư phát triển nhiều mô hình sản suất gắn với phát triển nông nghiệp thông minh như: triển khai xây dựng mô hình cánh đồng lớn tại các địa phương trong vùng. Đây là mô hình doanh nghiệp đứng ra làm “đầu tàu” để triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Với phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) bằng cách đưa các kỹ sư nông nghiệp trẻ đi xuống cùng người nông dân ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, tạo ra nông sản sạch đã giúp nông dân chuyển biến trong ý thức sản xuất, canh tác lúa theo chuẩn quốc tế. Đặc biệt, những năm qua, Tập đoàn đã hình thành các trung tâm chế biến lúa gạo với công nghệ hiện đại để bao tiêu sản phẩm, giúp tạo ra chuỗi giá trị gia tăng từ cây lúa. Hiện nay, Tập đoàn đã xây dựng thành công thương hiệu gạo VIBIGABA và gạo Hạt Ngọc Trời được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Bắc Mỹ… với giá rất cao. Ngoài ra, đón đầu xu thế ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Tập đoàn đang triển khai thực hiện dự án thu thập dữ liệu cánh đồng thông qua ảnh vệ tinh và ghi nhận từ mặt đất (dự án SAT4RICE). Đây là dự án nông nghiệp công nghệ cao do Tập đoàn Lộc Trời thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan. Dữ liệu được thu thập bằng cách trích xuất hình ảnh vệ tinh do Chính phủ Hà Lan vận hành, hình ảnh vùng địa lý ĐBSCL được gửi về hệ thống phân tích dữ liệu, làm cơ sở theo dõi tình trạng ngập lụt, hạn hán, bệnh... Đối với cây lúa, các hình ảnh này thể hiện rõ nét ở các trà lúa trên từng mảnh ruộng, kể cả mảnh diện tích chỉ vài nghìn mét vuông, đặc biệt ứng dụng cũng có thể mở rộng sang các loại cây trồng khác như dừa, bưởi, xoài, cam... 

Thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại 

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển ĐBSCL cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh và các giải pháp công nghệ tự động, công nghệ trên nền tảng IoT… Qua đó, tiến tới làm thay đổi phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp thông minh và hiện đại. Để ĐBSCL trở thành một vùng kinh tế phát triển thịnh vượng, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra mục tiêu cần thiết phải ứng dụng thành tựu của KH&CN để phát triển nông nghiệp thông minh. Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL, bên cạnh việc cần hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường liên kết bốn nhà (nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân) thì một số giải pháp đề xuất dưới đây sẽ phần nào mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản, hướng đến ngành nông nghiệp hiện đại cho vùng ĐBSCL. 

Một là, để đáp ứng nhu cầu phát triển, ĐBSCL cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển ngành hàng lúa gạo. Để phát triển mặt hàng này, chúng ta cần phải nâng cấp chuỗi giá trị lúa - gạo thông qua việc nghiên cứu, lai tạo thành công các dòng/giống mới, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc liên kết trong tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo giữa nông dân và doanh nghiệp. Do vậy, việc nghiên cứu - phát triển các dòng sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao cần phải được đặc biệt quan tâm trong tương lai. 
Hai là, có giải pháp hợp lý trong việc sử dụng phân bón và thuốc hóa học trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Thống kê cho thấy, cả nước hiện có hơn 10 triệu tấn phân bón được sử dụng và khoảng 2/3 lượng phân bón sử dụng cho lúa với lượng dư thừa rất lớn. Do đó, việc quản lý hiệu quả việc mua bán, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu là vấn đề phải quan tâm đặc biệt.
Ba là, chuyển đổi mô hình canh tác nhằm thích ứng với thực tiễn và diễn biến của biến đổi khí hậu. Theo đó, giải pháp quan trọng là cần phải quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường, nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản. Trước hết, cần quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” nhằm hình thành và phát triển các vùng chuyên canh; nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của nông dân; tăng cường mối liên kết “4 nhà” theo mô hình hợp tác kiểu mới…

Bốn là, xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao dựa vào việc ứng dụng thành tựu KH&CN mới, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… Tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu - triển khai giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng/miền khác trong cả nước, kết hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để chọn lựa các giống cây, con cho năng suất và chất lượng cao. Đưa nhanh các công nghệ mới vào nông nghiệp(từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đến vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm).

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh

Viện Nghiên cứu - Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần thơ


Send Print  Back
The news brought
Lạng Sơn: Ứng dụng Công nghệ thông tin quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản 5/27/2019
Cao Bằng: Ứng dụng công nghệ để phục tráng và phát triển sản xuất cam, quýt theo hướng sản xuất hàng hóa. 5/27/2019
Quảng Trị: Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính tại vùng gò đồi huyện Cam Lộ 5/27/2019
Anh triển khai công nghệ khí canh để trồng rau xanh 4/17/2019
Cao Bằng: Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng lúa nếp đặc sản của huyện Trùng Khánh 4/16/2019
Đắk Lắk: Nghiên cứu và ứng dụng các chế phẩm chiết xuất từ cây quế và cây chiêu liêu trong bảo quản trái bơ và chanh dây 4/16/2019
Hà Giang: Nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện mô hình nhà tiêu sinh học phục vụ điểm dân cư tập trung tại vùng khan hiếm nước 4/16/2019
Hà Giang: Nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện mô hình nhà tiêu sinh học phục vụ điểm dân cư tập trung tại vùng khan hiếm nước 4/16/2019
Vĩnh Phúc: Trồng thử nghiệm giống Dâu tây chịu nhiệt F1 Nhật Bản Tochiotome 4/16/2019
Cần Thơ: Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau non an toàn cho vùng rau 4/16/2019
Nam Định: Gieo ươm và trồng cây bần không cánh - giải pháp góp phần phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển 4/16/2019
Hà Giang: Nghiên cứu phân tích bổ sung chỉ tiêu chất lượng sản phẩm Chỉ dẫn địa lý cho mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn 4/12/2019
Trà Vinh: Nghiên cứu cơ sở khoa học sinh thái để phát triển nông nghiệp bền vững thị xã Duyên Hải 4/12/2019
Đắk Lắk: Nghiên cứu và ứng dụng các chế phẩm chiết xuất từ cây quế và cây chiêu liêu trong bảo quản trái bơ và chanh dây 4/12/2019
Đồng Nai: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP 4/12/2019













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 118616400 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn