Giới thiệu > Qúa trình phát triển > Qúa trình phát triển Cục
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg




Đăng Ký | Đăng Nhập
Đăng CN/TB chào bán
Đăng CN/TB tìm mua
Đăng ký thông tin trọn gói
  

THÔNG TIN KH&CN VIỆT NAM - 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Cùng với sự phát triển của Bộ KH&CN (KH&CN), ngành thông tin KH&CN Việt Nam cũng có một bề dày lịch sử phát triển 50 năm. Bài viết tóm tắt quá trình phát triển ngành thông tin KH&CN Việt Nam được thể hiện qua các thời kỳ xây dựng và phát triển củaThư viện Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Trung ương, của Viện Thông tin KH&PT Trung ương, của Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia, và hiện nay là Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.

 THƯ VIỆN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TRUNG ƯƠNG


 

Giai đoạn 1959-1965

Thư viện KH&KT Trung ương bắt đầu hoạt động từ đầu năm 1959. Ngày 06/02/1960, Thư viện KH&KT Trung ương đã được Hội đồng Chính phủ ra Quyết định thành lập. Trong giai đoạn này, kho tài liệu của Thư viện đã được hình thành theo hướng một thư viện khoa học tổng hợp, gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội. Các hoạt động nghiệp vụ của Thư viện từng bước được đưa vào nề nếp. Công tác nghiên cứu nghiệp vụ và đào tạo đội ngũ cán bộ luôn được Thư viện coi trọng.


Giai đoạn 1966-1975

Năm 1965, do điều kiện chiến tranh, Thư viện KH&KT Trung ương phải phân tán hoạt động: Cơ sở chính tại Hà Nội và các cơ sở sơ tán nằm rải rác tại 4 tỉnh (An toàn khu tại Tuyên Quang, Vĩnh Phú - nay là Vĩnh Phúc, Hà Bắc - nay là Bắc Ninh và Hà Sơn Bình - nay là Hoà Bình) nhưng các cán bộ của Thư viện đã cố gắng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Năm 1968, Thư viện được tách thành 2 đơn vị: Thư viện Khoa học Xã hội - thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội và Thư viện KH&KT Trung ương - thuộc Ủy ban KH&KT Nhà nước. Thư viện có khoảng trên 250.000 đầu sách và 5.000 đầu tạp chí với tỷ lệ 97% tài liệu bằng tiếng nước ngoài và là kho tài liệu phong phú nhất cả nước trong thời gian này. Cùng với việc tham gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin KH&KT và để đáp ứng nhu cầu tra cứu tài liệu của các cơ quan, tổ chức khoa học các cấp, các ngành và các địa phương, Thư viện còn thực hiện các khoá đào tạo nghiệp vụ cho thư viện KH&KT ở các tỉnh/thành phố miền Bắc.


Giai đoạn 1976-1990

Đây là giai đoạn Thư viện triển khai các hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ phục vụ nhu cầu thông tin phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ các chính sách đổi mới và mở cửa, phát triển hợp tác quốc tế của Nhà nước trong giai đoạn này mà đội ngũ cán bộ của Thư viện có điều kiện nâng cao trình độ nghiệp vụ. Xu hướng thông tin hoá và tin học hoá Thư viện bước đầu được xúc tiến. Ngày 21/12/1976, Lãnh đạo Ủy ban KH&KT Nhà nước đã phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Thư viện KH&KT Trung ương, trong đó có nhiệm vụ quản lý mạng lưới thư viện KH&KT trong cả nước. Đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập, Thư viện KH&KT Trung ương đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.  


VIỆN THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TRUNG ƯƠNG

Giai đoạn 1961-1965

Ngày 18/08/1961, theo Quyết định số 64-KHH/QĐ của Ủy ban Khoa học Nhà nước, Phòng Thông tin khoa học thuộc Ủy ban chính thức được thành lập. Phòng đã giúp Ủy ban chỉ đạo xây dựng công tác thông tin khoa học phù hợp với tình hình cũng như yêu cầu trong nước và phổ biến những kinh nghiệm, thành tựu, tình hình phát triển KH&KT trong và ngoài nước.  

Giai đoạn 1966-1972

Đất nước trong thời kỳ chiến tranh, Phòng Thông tin khoa học cũng như các đơn vị chức năng khác của Ủy ban KH&KT Nhà nước đã phải sơ tán, điều kiện làm việc không ổn định. Tuy vậy, nhằm đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống thông tin trong cả nước, đưa công tác thông tin KH&KT phục vụ phát triển kinh tế một cách hiệu quả hơn, ngày 04/03/1971, Phòng Thông tin khoa học đã tổ chức thành công Hội nghị Thông tin KH&KT toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Hội nghị này đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của Nghị quyết 89-CP của Hội đồng Chính phủ về “Tăng cường công tác thông tin KH&KT”, đánh dấu mốc phát triển của ngành thông tin KH&KT được thể chế hóa ở mức cao nhất.
Ngày 04/10/1972, Viện Thông tin KH&KT Trung ương được thành lập theo Quyết định số 187-CP của Chính phủ trên cơ sở Phòng Thông tin khoa học.  


 
Giai đoạn 1973-1990

Sau Hội nghị Thông tin KH&KT toàn quốc lần thứ hai được tổ chức thành công vào tháng 3/1977, mạng lưới cơ quan thông tin KH&KT đã được củng cố và mở rộng trong phạm vi cả nước. Đến cuối năm 1986, mạng lưới này đã bao quát hầu hết các ngành kinh tế và lĩnh vực KH&KT ở cả trung ương và địa phương với tổng số hơn 250 đơn vị. Công tác thông tin KH&KT đã trở thành một hoạt động mang tính xã hội, đạt được nhiều thành tựu và có đóng góp tích cực phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu và sản xuất. Được sự chỉ đạo của Ủy ban KH&KT Nhà nước, sự hưởng ứng của các cơ quan thông tin KH&KT trong mạng lưới cùng lãnh đạo các ngành, địa phương, Viện Thông tin KH&KT Trung ương đã kiên trì, chủ động củng cố, mở rộng mạng lưới và từng bước xây dựng hệ thống thông tin KH&KT quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được đặc biệt quan tâm. Lần đầu tiên ở Việt Nam, Viện đã triển khai thành công việc kết nối và truy cập thường xuyên tới các cơ sở dữ liệu từ xa qua vệ tinh liên lạc Intersputnik theo tuyến Hà Nội - Intersputnik - Moskva.  


TRUNG TÂM THÔNG TIN KH&CN QUỐC GIA


Giai đoạn 1990-1995

Để tăng cường khai thác, phát huy vốn tư liệu KH&KT phong phú của Thư viện KH&KT Trung ương cũng như năng lực xử lý, phổ biến thông tin, đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của Viện Thông tin KH&KT Trung ương, ngày 24/09/1990, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước đã ký Quyết định số 487/TCCB thành lập Trung tâm Thông tin Tư liệu KH&CN Quốc gia trên cơ sở hợp nhất Thư viện KH&KT Trung ương và Viện Thông tin KH&KT Trung ương. Trong giai đoạn này, Trung tâm Thông tin Tư liệu KH&CN Quốc gia đã tiến hành đổi mới công tác kế hoạch và phương thức cấp phát kinh phí thông qua ký kết hợp đồng thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, đã giúp nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư, xây dựng tiềm lực thông tin có định hướng; mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ thông tin; tạo quyền chủ động cho các cơ quan thông tin trong việc tổ chức hoạt động của mình, đồng thời mở rộng các mối quan hệ và tăng cường liên kết giữa các cơ quan thông tin trong hệ thống. Sau 5 năm thực hiện theo phương thức này, số kinh phí đầu tư tăng dần hàng năm (từ 200 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng). Ngoài việc bổ sung theo cách mua và trao đổi tài liệu, Trung tâm đã mở rộng được mối quan hệ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường nguồn tin và trang thiết bị của các đối tác quốc tế. Trung tâm đã tạo lập được trên 10 cơ sở dữ liệu (CSDL) với khoảng 400.000 biểu ghi. Các CSDL này được tích hợp từ các CSDL chuyên đề, được đưa vào mạng nội bộ và nối mạng trong toàn quốc (VISTA). Để quản lý và sử dụng có hiệu quả các đề tài và kết quả nghiên cứu, Trung tâm đã tiến hành xây dựng các CSDL về đề tài khoa học với gần 2.500 biểu ghi/8.500 đề tài đã đăng ký và gần 2.900 biểu ghi/3.000 kết quả nghiên cứu đã đăng ký. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức thu tư liệu từ vệ tinh để xây dựng hàng trăm băng hình KH&KT phục vụ công tác tuyên truyền và phổ biến các thành tựu KH&CN.  


Giai đoạn 1996-1999

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII về KH&CN, Trung tâm đã triển khai biên soạn Dự thảo Chiến lược tăng cường công tác thông tin KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhiệm vụ đến năm 2000. Bản Chiến lược này đã được thảo luận tại Hội nghị Thông tin KH&CN của toàn ngành tại Đà Lạt. Nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ, Trung tâm đã đẩy mạnh dịch vụ phục vụ thông tin có thu, ký kết hợp đồng thông tin trọn gói với các ngành và địa phương. Thông qua đó, tiềm lực tin học của Trung tâm đã được gia tăng đáng kể. Mạng thông tin khoa học, công nghệ và môi trường quốc gia với giao thức Internet đã được thiết lập, tạo điều kiện cho việc truy nhập rộng rãi các CSDL trong và ngoài hệ thống. CSDL toàn văn cũng bắt đầu được triển khai tại Trung tâm. Các phòng đọc tại Thư viện đều có máy tính để tra cứu, phòng đọc đa phương tiện được thành lập. Trung tâm đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet dùng riêng và nhà cung cấp nội dung thông tin trên Internet.

 Giai đoạn 2000-2004

Với những đổi mới có tính đột phá, các hoạt động trong thời gian này nhằm tạo đà cho những bước chuyển biến căn bản và đưa công tác thông tin KH&CN lên một tầm cao mới. Năm 2003, Trung tâm Thông tin Tư liệu KH&CN Quốc gia được đổi tên thành Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia.

Nhằm thực hiện công tác thông tin KH&CN có hiệu quả, Trung tâm đã hoàn thành việc soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định 159/2004/NĐ-CP ngày 31/08/2004 về hoạt động thông tin KH&CN.
Một sự kiện đánh dấu bước đột phá trong việc tạo lập và phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam, đó là, Trung tâm được Lãnh đạo Bộ KH&CN giao làm đầu mối, thường trực, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thành công Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam 2003 (Techmart Việt Nam 2003) với quy mô quốc gia lần đầu tiên ở nước ta. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ra quyết định tổ chức Techmart định kỳ 2 năm 1 lần ở quy mô quốc gia và khuyến khích tổ chức Techmart tại các khu vực và địa phương trong cả nước. Từ đó, Trung tâm đã được giao nhiệm vụ tổ chức và quản lý hoạt động Techmart Việt Nam. Cùng với Techmart Việt Nam 2003, Techmart ảo cũng được triển khai đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho các tổ chức, cá nhân trong tìm kiếm, giao dịch và chuyển giao công nghệ.
Trung tâm đã chủ động triển khai thực hiện việc nhân rộng mô hình cung cấp thông tin KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi, thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu nhờ KH&CN tại hàng trăm xã/phường trong cả nước. Mô hình cung cấp thông tin này hiện đang được hàng chục địa phương nhân rộng và phát huy hiệu quả thiết thực.
Năm 2004, Trung tâm đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.  


Giai đoạn 2005-2009

Từ năm 2006, Trung tâm được Lãnh đạo Bộ giao làm đầu mối và chủ trì triển khai kết nối Mạng thông tin Á - Âu giai đoạn II (TEIN 2). Sau một thời gian tích cực triển khai, VinaREN đã được khai trương và chính thức đưa vào vận hành (tháng 2.2008). Tính đến nay, VinaREN đã có 55 mạng thành viên gồm các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu, một số bệnh viện và trung tâm thông tin lớn tại 11 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ đó, cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam có thể giao lưu và liên kết hợp tác với hơn 40 triệu nhà khoa học tại hơn 4.000 trường đại học, phòng thí nghiệm hàng đầu trên thế giới. Các ứng dụng mạng tiên tiến, hiệu năng và tốc độ cao của VinaREN đang hỗ trợ tích cực các hoạt động hợp tác nghiên cứu và đào tạo, như hội nghị truyền hình trực tuyến chất lượng cao, đào tạo trực tuyến, y học từ xa, tính toán lưới, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai... VinaREN hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả việc truy cập, chia sẻ và sử dụng rộng rãi các nguồn tài nguyên thông tin điện tử phong phú và thiết thực cho công tác nghiên cứu, đào tạo, sản xuất kinh doanh của đất nước.
Trong thời gian này, Trung tâm đã hoàn thành việc soạn thảo để Bộ KH&CN trình Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2006/NĐ-CP về thống kê KH&CN. Là cơ quan lưu giữ và cấp đăng ký kết quả nghiên cứu, Trung tâm đã chủ trì soạn thảo Quy chế đăng ký, lưu giữ và sử dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN (theo Quyết định số 03/2007/QĐ-BKHCN ngày 16.3.2007).
Từ ngày 11/03/2005, Việt Nam chính thức được UNESCO chấp nhận là quốc gia thành viên của mạng lưới mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ (ISSN). Trung tâm được chỉ định là Trung tâm ISSN quốc gia của Việt Nam, trực tiếp tổ chức và thực hiện việc đăng ký, cấp mã số chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ trên lãnh thổ Việt Nam. Tính đến tháng 6/2009, Trung tâm ISSN Việt Nam đã đăng ký và cấp ISSN cho 294 xuất bản phẩm.
Trung tâm đã soạn thảo và trình Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành Quy chế Chợ Công nghệ và Thiết bị (theo Quyết định 15/2007/QĐ-BKHCN ngày 27/07/2007) và Thông tư liên tịch 152/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 17/12/2007 về việc hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị - một trong những hình thức và biện pháp thúc đẩy hình thành thị trường công nghệ, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất. Đặc biệt, tháng 9/2009, Trung tâm đã tổ chức thành công Chợ Công nghệ và Thiết bị Việt Nam ASEAN+3 (Techmart Việt Nam ASEAN+3) quy mô quốc tế với sự tham gia của 651 đơn vị thuộc các nước ASEAN+3 và trong nước. Tổng trị giá hợp đồng được ký kết tại Techmart này đạt 1.718 tỷ đồng. Hiện nay, Trung tâm đang tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá, triển khai, giới thiệu các nguồn tin điện tử, hướng dẫn các nhà khoa học, cán bộ giảng dạy… khai thác các nguồn tin một cách hiệu quả nhất nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và đào tạo.  


CỤC THÔNG TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA

Năm 2008, Nghị định 28/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN, Chính phủ đã xác định có Cục Thông tin KH&CN Quốc gia trong cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN để tăng cường công tác quản lý và phát triển sự nghiệp thông tin KH&CN.
Ngày 27/12/2009, Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định 2880/QĐ-BKHCN thành lập Cục Thông tin KH&CN Quốc gia trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia. Ngày 28/01/2010, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Cục Thông tin KH&CN Quốc gia kèm theo Quyết định số 116/QĐ-BKHCN.   Trải qua chặng đường lịch sử 50 năm xây dựng và trưởng thành, Thông tin KH&CN Việt Nam đã phát triển từ một thư viện khoa học đơn lẻ đến một mạng lưới thư viện KH&KT rộng lớn, từ một phòng thông tin khoa học đến một hệ thống thông tin KH&CN như ngày nay. Những thành tựu có được ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Ủy ban Khoa học Nhà nước, Ủy ban KH&KT Nhà nước, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trước đây và Bộ KH&CN hiện nay; sự hỗ trợ tích cực của quốc tế và hơn nữa là sự đóng góp đầy tâm huyết của nhiều thế hệ cán bộ thư viện và thông tin: Từ những bậc lão thành đã đặt nền móng cho sự nghiệp thông tin thư viện cho đến thế hệ trẻ; từ những cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu khoa học, xử lý và phục vụ thông tin cho đến những người làm công tác hậu cần... Thông tin KH&CN Việt Nam đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của mình trong xã hội, một nghề hữu ích, đầy triển vọng và được thừa nhận là một yếu tố của tiềm lực KH&CN, một nguồn lực quốc gia cho sự phát triển đất nước.

 *
*    *

 

THÀNH TÍCH

Trong quá trình hoạt động phát triển trên 50 năm, với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên tâm huyết, được đào tạo bài bản có trình độ cao, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (trước đây là Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia) đã có nhiều đóng góp to lớn cho các hoạt động kinh tế xã hội của đất nước như:

  • Từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thông tin, thư viện, thống kê KH&CN, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam;

  • Hình thành và phát triển hệ thống các tổ chức thông tin, thư viện KH&CN rộng khắp trong cả nước, phục vụ tích cực cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo, sản xuất, kinh doanh;

  • Cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin và tri thức KH&CN phục vụ công cuộc xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng các thành tựu KH&CN trong sản xuất và đời sống;

  • Hình thành và tăng cường dịch vụ giao dịch thông tin công nghệ, góp phần tích cực vào hình thành và phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam;

  • Xây dựng và phát triển tiềm lực thông tin KH&CN; hiện đại hoá hạ tầng mạng thông tin KH&CN.

Với những thành tích như vậy, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu và phần thưởng cao quý:

  • Huân chương Độc lập hạng Ba

  • 02 Huân chương Lao động Hạng Nhất

     

  • Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

  • Cờ của Chính phủ  tặng "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua"

Cục cũng được nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương khác.


 Video
Get the Flash Player to see this player.
STEM 2016
mô hình Nông Lâm














Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Đăng Ký   |    Đăng Nhập    
Số lượt truy cập: 119025959 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn