Ứng dụng xạ trị Proton và hạt nặng (heavy ion) trong điều trị ung thư – một tiến bộ mới của Y học thế giới
12:01 CH,21/12/2017

Ngày 18/12/2017, tại Hà Nội, Bệnh viện K Trung ương phối hợp với các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học về ứng dụng xạ trị Proton và hạt nặng (heavy ion) trong điều trị ung thư. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng đông đảo các bác sỹ, các kỹ thuật viên, các nhà khoa học chuyên ngành ung thư, vật lý hạt nhân đến từ nhiều cơ sở y tế trong cả nước. Đặc biệt, có nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ v.v.

Ung thư là căn bệnh không lây nhiễm, có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan tới bệnh như hành vi lối sống không lành mạnh (hút thuốc, uống rượu, ăn uống không hợp lý, ít hoạt động thể lực), tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề thực phẩm bẩn không an toàn, không được kiểm soát...
Theo thống kê của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer, IARC) năm 2002, trên toàn thế giới ước tính có khoảng 10,9 triệu người mới mắc bệnh ung thư. Nhìn chung số bệnh nhân ung thư có xu hướng ngày càng tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng tới năm 2020, số ca bị ung thư mới sẽ tăng lên thành 15 triệu/năm.

Cũng như các nước trên thế giới, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một gia tăng. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề khác nhau. Theo thống kê sơ bộ, số trường hợp mắc mới ung thư ở nước ta tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến con số này sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày. Bệnh ung thư là một loại bệnh nguy hiểm, nhiều thể loại, tiến triển bệnh rất phức tạp nên việc chẩn đoán, điều trị, dự phòng ung thư đòi hỏi phải tiếp cận nhiều với các công nghệ hiện đại nhằm giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu ung thư quốc gia, ở nước ta, hầu hết bệnh nhân ung thư được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn vì vậy việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Trên thế giới hiện nay có các phương pháp trị bệnh ung thư chính là: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết, điều trị đích và  điều trị miễn dịch. Mỗi phương pháp điều trị có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó, thông  thường các bác sỹ sẽ kết hợp điều trị bằng nhiều phương pháp với nhau để cho kết quả điều trị bệnh tốt nhất.

Xạ trị là phương pháp sử dụng những bức xạ ion hóa, có năng lượng đủ lớn, liều lượng thích hợp để tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời phải giảm thiểu liều tác hại đối với các mô lành.

Ở nước ta, hệ thống các thiết bị xạ trị đã được trang bị ở nhiều cơ sở y tế trong cả nước như Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện U bướu thành phố Hồ Chí Minh v.v. với các thiết bị như máy xạ trị gia tốc LINAC, Gamma knife; Cyber knife; Co-60 v.v. tuy nhiên, chưa có cơ sở nào được trang bị hệ thống xạ trị Proton và hạt nặng.

Hiện nay trên thế giới, việc ứng dụng xạ trị Proton và hạt nặng vào điều trị ung thư mang lại kết quả rất khả quan. Hiệu ứng sinh học của Proton và hạt nặng trong điều trị ung thư cao gấp 2-4 lần điều trị bằng các phương pháp khác, thời gian điều trị cũng được rút ngắn từ ½ thậm chí ¾ thời gian điều trị so với các phương pháp khác. Hơn nữa xạ trị bằng Proton và hạt nặng giúp đạt được liều lượng xạ trị tối ưu vào tổ chức u và giảm tối đa liều lượng vào cơ quan lành xung quanh.

Xạ trị proton và hạt nặng được áp dụng trên hầu hết các vị trí khối u, có hiệu quả cao với các loại ung thư đầu cổ, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tụy và đặc biệt là các khối u ở bệnh nhân nhi.  Đây là phương pháp rất ít tác dụng phụ nên có thể điều trị cho hầu hết các ung thư đặc, nhất là các trường hợp già yếu và trẻ em.

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu cho biết, theo ước tính sơ bộ, giá thành đầu tư cho hệ thống xạ trị Proton và hạt nặng khoảng (150,0 triệu USD) tương đương trên 3000 tỷ đồng, chi phí bảo trì hàng năm khoảng 7%-9% tổng giá trị hệ thống. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế của Việt Nam trong việc nghiên cứu áp dụng kỹ thuật hiện đại trong điều trị ung thư, nâng cao trình độ khoa học của các chuyên gia trong lĩnh vực ung thư, nâng cao cơ hội tiếp cận điều trị kỹ thuật cao và chất lượng điều trị cho người bệnh ung thư tại Việt Nam, nhất là các lọai ung thư khó điều trị như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, ung thư xương, hạn chế số lượng bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị, thu hút bệnh nhân từ các nước trong khu vực đến Việt Nam để điều trị thì việc đầu tư hệ thống thiết bị xạ trị proton và hạt nặng là cần thiết.

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, ngày 19/12/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn