Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn (PRRS) ở Việt Nam
4:20 CH,02/07/2018

Ngày nay hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn (PRRS) đã lan ra khắp thế giới, gây thiệt hại kinh tế lớn cho ngành công nghiệp chăn nuôi. Genome của PRRSV là một sợi đơn ARN và virus là thành viên của họ Arteriviridae thuộc lớp Nidovirales. Nghiên cứu phân tử mở rộng cho thấy PRRSV là rất khác nhau về kháng nguyên, độc lực và đa dạng trình tự nucleotide. Sợi đơn ARN của virut bao gồm một bộ gen có khoảng 15kb, mã hóa 9 ORFs. Bộ gen PRRSV bao gồm hai gen polumerase là ORF1a và ORF1b và bảy gen cấu trúc là ORF2a, 2b, 3, 4, 5, 6 và 7.

Lần đầu tiên trong lịch sử vào năm 2007, PRRS được phát hiện trên đàn lợn nhập từ Mỹ vào các tỉnh miền Nam. kết quả cho thấy, 10/51 con lợn giống nhập khẩu có huyết thanh dương tính với PRRS. Toàn bộ số lợn này đã được xử lý vào thời gian đó, tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, các nghiên cứu về bệnh trên những trại lợn giống tại các tỉnh phía Nam cho thấy tỷ lệ lợn có huyết thanh dương tính với bệnh rất khác nhau. Như vậy, có thể thấy virut PRRS đã xuất hiện và lưu hành tại nước ta trong một thời gian dài. Sự bùng phát dịch đầu tiên gây tổn thấy cho ngành chăn nuôi bắt đầu từ tháng 3/2007.

Hướng đến mục tiêu tạo ra được giống virus vắc-xin hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn (PRRS) ổn định về đặc tính kháng nguyên để sản xuất vắc-xin. Cụ thể, lựa chọn được chủng virus cường độc có tính kháng nguyên cao và ổn định để sản xuất vắc-xin PRRS; tạo được chủng virus nhược độc có tính kháng nguyên cao và ổn định để sản xuất vắc-xin PRRS; tạo ngân hàng các chủng virus PRRS đang lưu hành ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu do TS. Trịnh Đình Thâu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng đầu đã kiến nghị và được chấp thuận thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn (PRRS) ở Việt Nam”. Nhiệm vụ này thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 và Dự án khoa học và công nghệ (KH&CN).

Các nội dung triển khai trong nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu thu thập mẫu và phân lập virus PRRS; Nghiên cứu đặc điểm sinh học và sinh học phân tử của các chủng virus PRRS đã phân lập được; nghiên cứu sự tương đồng kháng nguyên giữa các chủng virus PRRS đã lựa chọn ở 2 miền Bắc - Nam; Nghiên cứu lựa chọn chủng virus PRRS cường độc phân lập từ thực địa; nghiên cứu tạo chủng virus PRRS nhược độc từ chủng virus cường độc và nghiên cứu lựa chọn chủng virus PRRS nhược độc tự nhiên phân lập từ thực địa; Nghiên cứu xây dựng quy trình bảo quản, sử dụng giống virus PRRS đã tuyển chọn; Nghiên cứu xây dựng quy trình kiểm định giống gốc PRRS cường độc và nhược độc.

Bằng các phương pháp nghiên cứu như phương pháp thường quy phòng thí nghiệm bệnh lý, vi sinh vật; hóa mô miễn dịch; RT-PCR; nuôi cấy tế bào Marc145; phân lập virus; giải trình tự gen; gây bệnh thực nghiệm… Sau 2 năm triển khai (tháng 12/1014 đến tháng 11/2016), nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau: Tạo được 3 giống virus PRRS cường độc ổn định về các chỉ số độc lực, di truyền, khả năng gây bệnh tích tế bào; 3 giống giống virus nhược độc ổn định về hiệu giá virus TCID50, tính kháng nguyên và đặc tính di truyền. Đồng thời, xây dựng thành công các quy trình công nghệ chính xác, khoa học, dễ thực hiện và nhân rộng. Quy trình tạo giống cường độc; tạo giống nhược độc trên môi trường tế bào; nhân giống sản xuất vắc-xin; quy trình bảo quản giống virus PRRS đã tuyển chọn; quy trình đánh giá, kiểm nghiệm giống gốc PRRS cường độc; quy trình đánh giá, kiểm nghiệm giống gốc PRRS nhược độc.

Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí khoa học chuyên ngành Thú Y và đã được trình bày, giới thiệu tại hội thảo quốc tế. Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành đăng ký trên ngân hàng gen thế giới 9 trình tự gen virus PRRS.

Các kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng cho các nghiên cứu sâu hơn về PRRS, là nguyên liệu quý để ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc-xin. Việc tạo ra được các chủng virus gốc từ những chủng virus đang lưu hành tại Việt Nam mang lại ý nghĩa to lớn trong chương trình phòng bệnh bằng vắc-xin. Sản phẩm của đề tài cũng là bước quan trọng để những nhà quản lý sớm khống chế được dịch bệnh cũng như giảm sức ép về kinh tế khi phải nhập ngoại vắc-xin.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13291/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: NASATI

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn