Không khí ấm làm cho lỗ thủng tầng ozon giảm xuống kích thước nhỏ kỷ lục
11:27 SA,15/12/2019

Lỗ thủng tầng ozon hiện đang nhỏ nhất kể từ năm 1982, lần đầu tiên các nhà khoa học bắt đầu theo dõi hiện tượng này.

  Sau khi đạt kích thước tối đa 6,3 triệu dặm vuông vào đầu tháng 9/2019, lỗ thủng tầng ozon nhanh chóng co nhỏ lại chưa từng có. Đầu tháng 10, lỗ thủng ozon đo được là 3,9 triệu dặm vuông. Các nhà khoa học hy vọng lỗ thủng ozon sẽ tiếp tục giảm kích thước trong vài tuần tới trước đi được “vá lại” hoàn toàn.
Các nhà khoa học tại Cơ quan hàng không và vũ trụ (NASA) và Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA), Hoa Kỳ đã xác nhận lỗ thủng tầng ozon nhỏ chưa từng có trong lịch sử. Các hệ thống thời tiết gần Nam Cực đã đẩy dòng khí ấm vào tầng bình lưu trong tháng 9 và tháng 10, hạn chế tình trạng cạn kiệt ozon. Các mô hình khí hậu tương tự cũng đã làm nhỏ lỗ thủng ozon một cách bất thường vào mùa thu năm 1988 và 2002.
Các cơ quan vũ trụ và thời tiết sử dụng kết hợp các vệ tinh, bao gồm vệ tinh Aura của NASA, vệ tinh Suomi của NASA-NOAA và vệ tinh NOAA-20 của NOAA để đo kích thước lỗ thủng ozon từ không gian. Các nhà khoa học tại NOAA lập căn cứ gần Nam Cực cũng thường xuyên triển khai sử dụng các khinh khí cầu thời tiết trên cao để đo kích thước thẳng đứng của tầng ozon. Kỷ lục về lỗ thủng ozon năm nay phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2017.
Lỗ thủng tầng ozon hình thành khi các tia nắng mặt trời đóng vai trò xúc tác các hóa chất nhân tạo như clo và brom. Những phản ứng hóa học này phá hủy các phân tử ozon. Các phản ứng hóa học được kích thích bởi sự hình thành đám mây tầng trên tầng bình lưu, nhưng trong những năm gần đây, không khí tầng bình lưu ấm hơn đã giúp hạn chế những phản ứng này và kìm hãm sự mở rộng lỗ thủng tầng ozon.
Các nhà khoa học lần đầu tiên nhận thấy tầng ozon đã suy yếu vào những năm 1970 và nhanh chóng xác định được thủ phạm là một nhóm hóa chất được gọi là chlorofluorocacbon hay CFC, thường được sử dụng trong chất làm lạnh và bình xịt sol khí. Lỗ hổng ozon đã được các nhà khoa học phát hiện trong Khảo sát Nam Cực của Anh vào năm 1985, thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học và công chúng. Vì thế, đến năm 1987, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký Nghị định thư Montreal, giúp loại bỏ việc sử dụng CFC trên toàn thế giới. Rõ ràng, lệnh cấm đã giúp tầng ozon phục hồi.
Hầu hết các nghiên cứu cho thấy tầng ozon đã thu nhỏ lại do ảnh hưởng của Nghị định thư Montreal và việc áp dụng các lựa chọn thay thế CFC thân thiện với môi trường, tuy nhiên, vào năm 2018, các nhà khoa học đã quan sát thấy lượng khí thải CFC ở châu Á gia tăng. Các nhà điều tra đã xác định nguyên nhân là do Trung Quốc vẫn tiếp tục sản xuất và sử dụng CFC và do cả ngành công nghiệp bọt xốp của nước này.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy bằng chứng cho thấy sử dụng dichlorometan, chất thay thế phổ biến cho CFC, cũng có thể làm suy yếu sự phục hồi của tầng ozon. Mặc dù hóa chất “ăn” ozon có tuổi thọ ngắn hơn nhiều chlorofluorocacbon, nhưng thực trạng sử dụng hóa chất này vẫn chưa được kiểm soát.
Nguồn: Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam


Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn