Chuyển giao công nghệ từ FDI: Chưa như mong đợi
5:02 CH,02/07/2020

Kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng mạnh. Tuy nhiên, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt được hiệu quả mong đợi.

-         5% DN có công nghệ cao

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cho biết, mặc dù chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đã đặt ra mục tiêu tiếp thu công nghệ nguồn từ các tập đoàn đa quốc gia, các nước công nghiệp phát triển hàng đầu, nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện mục tiêu này rất khó khăn và gần như không đạt được. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ của châu Âu và Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 6%; trong khi tỷ lệ DN có vốn FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc tới 30 - 45% cho dù đang có xu hướng giảm.

Về tổng thể, tỷ lệ DN FDI sử dụng công nghệ có tuổi đời từ năm 2000 - 2005 chiếm hơn 65% và chủ yếu là công nghệ trung bình, hoặc trung bình tiên tiến của khu vực; việc cập nhật công nghệ, tỷ lệ DN đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) còn hạn chế. Tỷ lệ DN FDI sử dụng công nghệ sản xuất của những năm gần đây là 15%, trong khi của DN tư nhân là 13,7%, và DN nhà nước gần 10%.

Các DN FDI cũng chủ yếu thực hiện thông qua việc mua công nghệ hơn là phát triển nâng cao và đổi mới công nghệ. Điều này làm hạn chế khả năng chuyển giao và lan tỏa công nghệ của khu vực FDI. "Số lượng DN FDI có năng lực công nghệ cao chỉ 5%, 80% công nghệ trung bình, còn lại là sử dụng công nghệ thấp" - ông Hoàng Quang Phòng cho hay. 

GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài - nhận định, trên thực tế có hiện tượng một số nhà đầu tư nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, gây nên tình trạng tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn lao động... 

-         Ưu tiên công nghệ hiện đại

TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cũng đồng tình, sự chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI và các DN trong nước chưa như kỳ vọng. Có DN Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lên tới 95% tổng số nguyên liệu. Điều này được lý giải bởi các DN FDI thường có các nhà cung cấp truyền thống trước khi tham gia thị trường Việt Nam.

"Chất lượng và hiệu quả của FDI nhìn chung chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0" - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh; đồng thời ví dụ, trong ngành chế tạo, chế biến chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai như AI, blockchain, fintech, trung tâm R&D, nhất là ở hai trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tiềm lực khoa học và công nghệ lớn, dồi dào về lao động chất lượng cao. 

Theo đó, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thu hút FDI, Việt Nam cần chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. 

Đặc biệt, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế đề xuất, không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

 Nguồn: Báo Công thương, ngày 29/6/2020.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn