Thúc đẩy kết nối đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực của doanh nghiệp
3:54 CH,21/12/2020
TGVN. Đặt vị thế là một nước đi sau, Việt Nam có thể tiếp thu thành quả của khoa học công nghệ, nhất là nền tảng khoa học công nghệ 4.0. Tuy nhiên, việc tiếp thu phải được thực hiện một cách hợp lý phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp.Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đồng tình tại Diễn đàn "Kết nối đổi mới sáng tạo 2020" ngày 18/12 tại Hà Nội.Diễn đàn là hoạt động nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực hiện đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018).Diễn đàn cũng là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm xây dựng triển khai chính sách về nhập khẩu và chuyển giao công nghệ, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài.Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, quy mô nền kinh tế được nâng lên.Năm 1989, GDP Việt Nam mới chỉ là 6,3 tỷ USD, nhưng đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 268,4 tỷ USD, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. Cùng với đó, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, nếu như năm 1985 bình quân thu nhập đầu người là 159 USD thì năm 2020 ước đạt 2.750 USD. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của ngành khoa học công nghệCũng theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, trong sự phát triển chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu từ năm 1988, tính đến 8/2020, đã có 32.539 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào GDP và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát triển.Trong thời gian qua, với vai trò quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể, góp phần phát huy hiệu quả của dòng vốn FDI thông qua tăng cường quản lý, định hướng, khuyến khích nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, tiêu biểu là Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chính sách phát triển công nghệ là nội dung quan trọng có quan hệ gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế đất nước, với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước."Chính vì lẽ đó, nhiều năm qua Việt Nam luôn quan tâm đề cao các chủ chương chính sách thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ. Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả quan trọng, khoa học công nghệ đang từng bước đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế và khoa học của đất nước", ông Nam nói.Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới khi các Hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả. Thông qua quá trình tự do hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra những lợi thế mới thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa các nước, góp phần khai thác tối đa lợi thế so sánh của các nước tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.TS. Phạm Văn Tân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP)… với những cam kết chưa từng có về quyền người lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đấu thầu và mua sắm công, bảo vệ sở hữu trí tuệ… "Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ", ông Tân khẳng định.Tại Diễn đàn, các chuyên gia cùng thảo luận về hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; Thực trạng triển khai chính sách định hướng và hỗ trợ nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam thời gian qua; Đào tạo nâng cao nguồn nhân lực để chuyển giao và hấp thụ công nghệ mới tại Việt Nam cũng như giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn: baoquocte.vn

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn