Các nhà du hành lắp đặt tấm năng lượng Mặt Trời trên ISS
5:25 CH,18/06/2021

Đây là chuyến đi bộ ra ngoài không gian đầu tiên của các nhà du hành vũ trụ nhằm củng cố thêm mạng lưới năng lượng Mặt Trời cho ISS.

Hiện ISS đang có 8 tấm năng lượng Mặt Trời, trong đó có 2 tấm đầu tiên đã hoạt động liên tục kể từ tháng 12/2000. Nhiệm vụ của 2 nhà du hành vũ trụ lần này là lắp đặt 2 trong số 6 tấm năng lượng Mặt Trời mới, vừa được tàu vũ trụ SpaceX Dragon đưa lên ISS hôm 5/6 vừa qua.

Tuy nhiên, do gặp vấn đề về hiển thị và điều khiển trên bộ trang phục, nhà du hành Kimbrough đã phải quay trở lại ISS để cài đặt lại hệ thống của mình. Do đó, hai nhà du hành vũ trụ mới chỉ đưa tấm năng lượng Mặt Trời vào vị trí mà chưa thể lắp đặt hệ thống cáp và ốc vít trong chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài 7 giờ 15 phút này.

Dự kiến, hai nhà du hành sẽ tiếp tục công việc vào ngày 20/6 tới.

Phát biểu trước khi rời ISS, nhà du hành Kimbrough cho biết các chuyến đi bộ ra ngoài không gian sẽ gặp rất nhiều vấn đề và phức tạp.

Việc lắp đặt các tấm năng lượng Mặt Trời phải được thực hiện khi ISS ở vùng tối của Trái Đất, khi trạm đang hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời. Theo các nhà khoa học, việc kết hợp các tấm năng lượng ban đầu và 6 tấm năng lượng mới, nhỏ hơn là cần thiết để tăng lượng điện cung cấp cho ISS thêm 20 - 30%.

Các tấm năng lượng Mặt Trời mới được đưa lên ISS có thể cuộn vào như thảm tập yoga, nhỏ hơn và sáng hơn so với các tấm năng lượng truyền thống.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) hy vọng tiếp tục sử dụng công nghệ này cho sứ mệnh Artermis trở lại Mặt Trăng, và các tấm năng lượng tương tự sẽ được sử dụng trên trạm Mặt Trăng tương lai, mang tên Gateway.

Đây là lần đi bộ ngoài không gian thứ 3 của nhà du hành Pesquet và là lần thứ bảy của nhà du hành Kimbrough.

Trước đó, ngày 5/6, tàu vũ trụ SpaceX Dragon chở hàng đã lắp ghép thành công với ISS để thực hiện việc tiếp tế. Theo NASA, tàu vũ trụ SpaceX Dragon đã tự lắp ghép vào mặt đối diện của module ISS Harmony. Trong sứ mệnh này, SpaceX Dragon mang theo các tấm năng lượng mặt trời (ROSA) cho ISS. Dự kiến, sau khoảng 1 tháng lắp ghép với ISS, con tàu vũ trụ này sẽ mang theo hàng hóa và các kết quả nghiên cứu trở về Trái Đất.

                                                                                                                                                                                                                      Ngọc Hà (TTXVN)

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn