Nghiên cứu khả năng ứng dụng dầu sinh học làm dầu cách điện cho máy biến áp phân phối
10:15 SA,22/07/2021
Trên thế giới hiện nay, hầu hết dầu máy biến áp có nguồn gốc từ dầu mỏ (dầu khoáng) được sử dụng làm dầu cách điện trong các máy biến áp điện lực từ rất lâu bởi vì đặc tính vật lý, hóa học và khả năng cách điện cao của nó cũng như giá thành thấp. Tuy nhiên, nhược điểm cố hữu của dầu máy biến áp là khả năng phân hủy thấp và gây ô nhiễm khi xảy ra sự cố làm rò rỉ dầu ra môi trường. Ngoài ra, nguồn dầu thô ngày càng cạn kiệt và có thể sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trong tương lai gần. Do đó, việc thiết kế một loại chất cách điện mới có khả năng phân hủy hoàn toàn và thân thiện với môi trường để thay thế dầu khoáng là vấn đề thu hút sự quan tâm của các công ty điện lực, nhà sản xuất và nhà khoa học cũng như của chính phủ của nhiều quốc gia. Dầu sinh học, một loại dầu có nguồn gốc thực vật là một giải pháp hữu hiệu để thay thế các loại dầu khoáng nói trên. Loại dầu này có hai đặc tính nổi bật là khả năng phân hủy hoàn toàn và rất thân thiện với môi trường và có tính cách điện rất cao. Ngoài ra, dầu cách điện sinh học được sản xuất từ nguồn thực vật được trồng trong tự nhiên nên hoàn toàn có thể chủ động nguồn cung và phát triển bền vững. mặc dù vậy, hiện nay chưa có nghiên cứu nào về khả năng sử dụng dầu sinh học làm dầ cách điện ở nước ta. TS. Nguyễn Văn Dũng cùng các công sự ở Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Khả năng ứng dụng dầu sinh học làm dầu cách điện cho máy biến áp phân phối” nhằm tìm ra một số nguồn nguyên liệu khác để sản xuất dầu cách điện sinh học bên cạnh nguồn nguyên liệu hạt đậu nành và hạt hướng dương thông qua việc đánh giá tiềm năng ứng dụng dầu sinh học từ dầu gạo, dầu bắp và dầu phộng làm dầu cách điện trong các máy biến áp cấp trung thế. Với mục đích đó, tác giả đã tiến hành nghiên cứu tính chất cách điện trên 03 loại dầu như trên cũng như trên giấy/bìa cách điện tẩm các loại dầu sinh học này. Các thí nghiệm được thực hiện dưới tác động của điện áp AC-50 Hz đối với cả dầu mới và dầu lão hóa. Thí nghiệm cũng diễn ra tương tự đối với giấy/bìa cách điện. Kết quả thí nghiệm thu được từ dầu sinh học sẽ được so sánh với dầu khoáng. Dầu được lão hóa tại 115oC trong vòng 96 h trong tủ sấy đối lưu không khí theo cả phương pháp cốc hở và cốc kín trong khi giấy/bìa cách điện được lão hóa trong môi trường dầu tại nhiệt độ 130oC trong 500 h trong tủ sấy tuần hoàn không khí theo phương pháp cốc hở. Độ bền điện thể tích của giấy được xác định bằng cách thay đổi số lớp và độ dày của giấy Kraft trong khi các khoảng cách khe hở điện cực khác nhau được sử dụng để xác định độ bền điện bề mặt. Ngoài ra, độ bền kéo của giấy/bìa cách điện tẩm các loại dầu này cũng được xác định. Các chất phụ gia chống oxy hóa như butylated hydroxytoluene (BHT), tertiary butyl hydroquinone (TBHQ) và Naugalube được bổ sung vào trong dầu sinh học nhằm cải thiện hiệu quả chống oxy hóa của loại dầu này. Kết quả xác định các thông số vật lý, hóa học và điện của dầu gạo, dầu bắp và dầu phộng cho thấy các thông số của cả ba loại dầu này đều đạt tiêu chuẩn ASTM-D6871 ngoại trừ điểm đông đặc của dầu gạo và dầu phộng cao hơn qui định. Kết quả thí nghiệm cho thấy độ bền điện thể tích và bề mặt của giấy/bìa cách cách điện được tẩm với các loại dầu thực vật này tương đương với khi tẩm trong dầu khoáng. Ngoài ra, sự lão hóa đã làm giảm đáng kể cả độ bền điện thể tích và bề mặt của giấy/bìa cách điện tẩm dầu sinh học cũng như dầu khoáng. Sự lão hóa cũng làm giảm độ bền kéo của giấy/bìa cách điện. Kết quả thí nghiệm cũng cho thấy sự lão hóa ảnh hưởng không đáng kể đến điện áp đánh thủng của dầu nhưng làm tăng rõ rệt hàm lượng axit và độ nhớt của dầu thực vật. Sự kết hợp của TBHQ và BHT hoặc NaugalubeÒ 750 đã làm tăng nhẹ điện áp đánh thủng nhưng đã tăng đáng kể độ bền oxy hóa của dầu thực vật. Điều này dẫn đến giảm độ nhớt và hàm lượng axit trong dầu thực vật. Mặc dù sự hiện diện của chất chống oxy hóa không làm tăng điện áp đánh thủng của giấy sau lão hóa nhưng các chất phụ gia này đã làm chậm quá trình lão hóa dẫn đến tăng độ bền kéo của giấy sau lão hóa. Thông qua kết quả nghiên cứu, có thể khẳng định rằng tiềm năng phát triển các loại dầu cách điện gốc thực vật dựa vào nguồn dầu thực vật tinh chế sẵn có trong nước kết hợp với các chất phụ gia là rất triển vọng và thiết thực để thay thế dầu cách điện gốc khoáng trong tương lai. Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18467/2021) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
Nguồn: V.T.L (NASATI).
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn