Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Điện toán biên (Mobile Edge Computing) cho triển khai 5G
3:59 CH,26/09/2021

Vào cuối năm 2014, MEC ISG (Mobile Edge Computing Industry Specification Group) của tổ chức ETSI (European Telecommunications Standards Institute) đã đưa ra khái niệm điện toán biên di động (Mobile Edge Computing – MEC). Để bổ sung cho kiến trúc C-RAN, MEC hướng đến mục tiêu hợp nhất các dịch vụ đám mây viễn thông và Công nghệ thông tin (CNTT) để cung cấp khả năng điện toán đám mây bên trong các mạng truy nhập vô tuyến tại các khu vực gần với người dùng di động. Mục tiêu chính của MEC là: tối ưu hóa tài nguyên di động bằng cách lưu trữ các ứng dụng tính toán chuyên sâu, tiền xử lý dữ liệu lớn trước khi gửi lên đám mây, cho phép sử dụng các dịch vụ đám mây trong phạm vi gần với thuê bao di động và cung cấp dịch vụ nhận biết ngữ cảnh với sự hỗ trợ của thông tin mạng truy cập vô tuyến. Nhờ đó, MEC cho phép triển khai nhiều ứng dụng yêu cầu thời gian thực như phương tiện không người lái, thực tế ảo và thực tế tăng cường, robot và đa phương tiện nhập vai. Vào năm 2017, ETSI ISG đã chính thức thay đổi tên của điện toán biên di động thành điện toán biên đa truy cập (Multi-access Edge Computing – MEC ) nhằm ứng dụng các yêu cầu của điện toán biên di động cho các mạng truy cập khác như mạng truy cập vô tuyến cố định, WiFi và hữu tuyến. Các máy chủ MEC có thể được các nhà khai thác mạng triển khai tại các vị trí khác nhau trong RAN và/hoặc kết hợp với các yếu tố khác để tạo ra biên mạng, chẳng hạn như BS bao gồm macro-eNB và small-eNB, các đơn vị trong mạng quang, trạm điều khiển mạng vô tuyến, bộ định tuyến, chuyển mạch và điểm truy cập WiFi.

MEC giới thiệu triển khai đến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới như SK Telecom, AT&T, Verizon và trong nước như Viettel, MobiFone, VinaFone. Do MEC là một công nghệ còn mới mẻ và sơ khai, đặc biệt trong trường hợp đối với mạng di động 5G, số lượng các nhà mạng thông báo về việc triển khai MEC còn khá hạn chế và chủ yếu dừng ở mức độ thử nghiệm dịch vụ.

Nghiên cứu cũng đưa ra một số ứng dụng MEC được đề xuất triển khai cho MobiFone. Các yêu cầu cho triển khai MEC đối với từng ứng dụng cũng được giới thiệu dựa theo tài liệu công bố bởi ETSI. Công nghệ MEC cho mạng di động 5G là một công nghệ mới và còn ít các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông triển khai thương mại. Tuy nhiên đây là một xu hướng phát triển cần thiết do nhu cầu xử lý và phân tích dữ liệu ngày càng cao để đảm bảo cung cấp các dịch vụ với độ trễ cực thấp, tốc độ cao và đảm bảo tính an ninh, bảo mật cho dữ liệu nội bộ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tính khả thi cao có thể triển khai thử nghiệm trong giai đoạn 2021 – 2025 khi mạng 5G MobiFone được thương mại hóa. Trong thời gian tới, các công trình nghiên cứu về MEC có thể tập trung vào việc tìm hiểu các công nghệ ảo hóa, container hóa để có thể triển khai máy chủ ảo MEC tại các trạm BTS và mạng lõi. Ngoài ra có thể áp dụng thực hiện các dự án nghiên cứu triển khai thử nghiệm máy chủ MEC cung cấp các dịch vụ MEC tại các trạm small cell, phục vụ các ứng dụng doanh nghiệp như IoT công nghiệp để xử lý dữ liệu IoT tại chỗ, phân tích và ra phản hồi thời gian thực, giảm thông tin trên mạng lõi và mạng IP và đảm bảo an toàn cho dữ liệu,… Bên cạnh đó, an toàn bảo mật cũng là vấn đề quan trọng cần phải nghiên cứu đối với MEC. 

Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16384/2019) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn