Công nghệ sản xuất thiếc 99,99% Sn bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn
3:11 CH,03/08/2022

Với mục tiêu làm chủ được công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện, quy mô công nghiệp có màng ngăn từ thiếc 99,75%. Nhóm nghiên cứu Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã thực hiện dự án: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% Sn bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn”. Nghiên cứu được kỳ vọng sẽ tạo ra thiếc sạch, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, chế biến, đồng thời là một hướng đột phá trong ngành luyện kim.

Để thực hiện được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu đã xây dựng một hệ thống dây chuyền thiết bị, điện phân tinh luyện bán tự động để sản xuất thiếc quy mô 240 tấn/năm, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn của môi trường.  Trong quá trình điện phân tinh luyện, bùn anot sinh ra chiếm từ 1-5% khối lượng anot đưa vào điện phân. Tỷ lệ này thay đổi tùy thuộc vào hàm lượng tạp có trong thiếc thô. Thành phần bùn anot thiếc chủ yếu chứa thiếc và một số nguyên tố kim loại khác như chì, antimon, bitmut, đồng, v.v... Đây chính là sản phẩm phụ chứa thiếc và các kim loại khác cần thu hồi trong quá trình điện phân tinh luyện thiếc 99,99%.

Nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên để sản xuất thử nghiệm thiếc 99,99% Sn. Kết quả, đã sản xuất được 200,6432 tấn sản phẩm, bao gồm 139,6108 tấn sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu của Công ty và 61,0324 tấn sản phẩm từ nguyên liệu của khách hàng đưa đến gia công. Tổng doanh thu sau khi bán sản phẩm là gần 62 tỷ đồng.

Dự án đã hoàn thành mục tiêu đặt ra là làm chủ được công nghệ sản xuất thiếc 99,99% từ thiếc 99,75% bằng phương pháp điện phân tinh luyện, quy mô công nghiệp. Khả năng tiêu thụ thiếc 99,99% ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong công nghệ sản xuất đồ hộp, thiết bị công nghệ, điện tử thông minh... Hiện nay, nguồn khoáng sản quặng thiếc ngày càng cạn kiệt, nên sản lượng khai thác, chế biến thiếc ngày càng giảm, chi phí sản xuất ngày càng cao. Chính vì vậy, việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh là một trong những vấn đề các doanh nghiệp trong ngành luyện kim đang hướng đến.

  Nguồn: Báo cáo đề tài (Mã số: KC.02/16-20) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn