HOÀN THIỆN QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ ƯƠNG GIỐNG CÁ TRA
10:46 SA,28/11/2022

Cá tra được coi là đối tượng chủ lực để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay cùng với sự gia tăng sản lượng và diện tích sản xuất do phát triển tự phát, thực hiện chăn nuôi theo kinh nghiệm truyền miệng mà chưa có một quy trình nuôi chuẩn, nghề nuôi phải đối diện với vấn đề dịch bệnh, chất lượng con giống sản xuất ra ngày càng suy giảm do tác động quá mức của việc lạm dụng hóa chất, tỷ lệ sống trong ương nuôi cá tra đạt không cao. Bên cạnh đó, kết quả ương cá tra từ cá bộ lên cá hương trên bể còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở quy mô sản xuất hàng hóa. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải nghiên cứu và hoàn thiện một quy trình công nghệ ương nuôi ở mật độ ương cao, kiểm soát được môi trường tốt trong suốt quá trình ương nuôi, cải thiện các vấn đề về dinh dưỡng, phương pháp phòng trị bệnh hiệu quả trong quá trình ương nuôi như kiểm soát chất lượng thức ăn Artemia và Moina sạch khuẩn trước khi cho cá ăn. Vì vậy, nhóm nghiên cứu do kỹ sư Trần Hữu Phúc làm chủ nhiệm thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã chủ động đề xuất xây dựng đề tài nghiên cứu “Hoàn thiện quy trình công nghệ ương giống cá tra” với mục tiêu là xây dựng được quy trình công nghệ ương cá tra giống chất lượng cao. Sau gần 2 năm thực hiện, đề tài đã thu được những kết quả sau: - Đã xây dựng được quy trình ương cá tra trên bể xi măng với mật độ ương là 5.000 con/m2 , cho cá ăn Artemia 2 ngày và Moina bổ sung từ ngày từ 2 đến ngày thứ 10, thức ăn bột được cho cá ăn từ ngày thứ 7, đạt tỷ lệ sống cho cá 21 ngày tuổi ở giai đoạn nghiên cứu 38,6%, giai đoạn kiểm nghiệm đạt 37,5% và giai đoạn ứng dụng tại cơ sở sản xuất đạt trung bình là 25,6% (dao động trung bình từ 23,0 – 30,2%/đợt ương), cá tăng trưởng tốt với khối lượng thân trung bình đạt dao động 120,1 – 216,4 mg/cá và chiều dài tổng trung bình đạt 19,6 - 21,3 mm (tùy vào đợt ương). Kết quả đánh giá ở mô hình sản xuất cho thấy hệ số biến thiên của khối lượng cá 21 ngày tuổi đạt dao động từ 28,1 – 36,5%, FCR cho thức ăn bột từ ngày ương thứ 7 đến ngày 21 đạt dao động từ 1,6 – 2,1. - Đã xây dựng một mô hình tại Công ty Cổ phần Nam Việt với một đợt ương, đạt 300.600 cá hương và một mô hình (hai đợt ương) tại Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nước ngọt Nam Bộ đạt 245.000 con cá hương 21 ngày tuổi. Tổng số cá hương đạt được tại hai cơ sở xây dựng mô hình là 541.900 con được tạo ra trên tổng diện tích ương nuôi là 468 m2 , cá sạch bệnh, kích cỡ trung bình đạt 137,0 – 231,7 mg/con (tùy đợt ương). - Đã tổ chức một lớp tập huấn cho 07 cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Nam Việt về quy trình ương nuôi cá trên bể vào tháng 09/2020, tại vùng nuôi cá tra của Công ty cổ phần Nam Việt (Phú Thuận, Thoại Sơn, An Giang). Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần phát triển rộng cho các mô hình ương cá tra bền vững, tiên tiến, đạt năng suất và tỷ lệ sống cao trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra như hiện nay.
Nguồn: Báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số: 21249) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn