Trung Quốc lần đầu khoan hố sâu hơn 10.000 m để nghiên cứu
9:07 SA,01/06/2023

Với độ sâu thiết kế 11.100 m, hố khoan mới nằm sâu trong sa mạc Taklimakan - sa mạc lớn nhất Trung Quốc. Đây là bước ngoặt trong hoạt động khám phá Trái Đất sâu của Trung Quốc, mang đến cơ hội chưa từng có để nghiên cứu các khu vực nằm sâu dưới bề mặt hành tinh.


Lòng chảo Tarim là một trong những khu vực khó thám hiểm nhất do môi trường mặt đất khắc nghiệt và các điều kiện ngầm phức tạp. Trong quá trình khoan, thiết bị gồm các mũi khoan và ống khoan nặng hơn 2.000 tấn sẽ đi sâu vào lòng đất, xuyên qua hơn 10 địa tầng lục địa, trong đó có hệ thống từ kỷ Phấn Trắng.


Theo Wang Chunsheng, chuyên gia kỹ thuật tham gia dự án, việc khoan hố sâu hơn 10.000 m là một nỗ lực táo bạo nhằm khám phá phần lãnh thổ chưa biết của Trái Đất và mở rộng phạm vi kiến thức của con người. "Khó khăn về mặt xây dựng của dự án khoan hố có thể so sánh với một chiếc xe tải lớn chạy trên hai dây cáp mỏng bằng thép", Sun Jinsheng, học giả tại Viện hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc, nhận định.


Trước đó, Trung Quốc cũng gây chú ý khi khoan giếng dầu Yuejin 3-3 sâu 9.472 m tại khu vực lòng chảo Tarim hôm 1/5. Đây sẽ là giếng dầu sâu nhất châu Á, trở thành bước đột phá lớn trong hoạt động thăm dò dầu khí siêu sâu và giúp Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất dầu thô. Để vượt qua các điều kiện khắc nghiệt về nhiệt độ và áp suất cao ở độ sâu hơn 9.000 m, tập đoàn Sinopec đã cải tiến công nghệ khoan, đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít những quốc gia trên thế giới có khả năng khoan giếng sâu ở mức 10.000 m.

Nguồn: baotintuc.vn

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn