Chương trình cơ giới hóa trong khai thác than.
10:53 SA,16/12/2013

Để phát triển được chương trình cơ giới hóa (CGH) một cách bền vững, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), đòi hỏi lãnh đạo các đơn vị khai thác than hầm lò cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức, xác định đây là hướng đi có tính chất sống còn trong quá trình phát triển.

       Hoàn thiện công nghệ CGH đồng bộ, để làm cơ sở triển khai, áp dụng rộng rãi công nghệ khai thác phù hợp điều kiện địa chất, kỹ thuật mỏ từng khoáng sàng, Vinacomin giao Viện Khoa học Công nghệ Mỏ áp dụng các loại hình công nghệ CGH khai thác tại một số công ty than hầm lò vùng Quảng Ninh.
       Đầu những năm 2000 đã đánh dấu mốc khởi điểm đột phá về cơ giới hóa của Vinacomin, qua việc mỏ Khe Chàm tiên phong ứng dụng máy khấu com-bai kết hợp giá thủy lực di động;
      Năm 2005, tiếp tục thử nghiệm lò chợ CGH đồng bộ sử dụng máy khấu com-bai kết hợp dàn chống tự hành.
      Năm 2007, mỏ Vàng Danh triển khai áp dụng thử nghiệm công nghệ CGH khai thác bằng máy com-bai khấu than và dàn chống tự hành Vinaalta.   
      Sau đó, công nghệ CGH trong khai thác được áp dụng rộng rãi, khai thác bằng máy trong các đường lò tại hàng chục mỏ than, năng suất mỗi lò chợ được đẩy lên tới 400 - 500 nghìn tấn/năm. Công nghệ CGH đã phục vụ đắc lực việc mở rộng diện sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, giúp tận thu mỗi năm hàng triệu tấn than còn trong bã sàng, nâng cao chất lượng than nguyên khai, giảm tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra, nhiều giải pháp công nghệ chống lò tiên tiến cũng được triển khai áp dụng vào sản xuất như công nghệ chống lò bằng vì neo, neo chất dẻo cốt thép, bê-tông phun, bê-tông cốt liệu nhẹ.
      TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ -Vinacomin cho biết, CGH khai thác hầm lò là chương trình quan trọng nhằm phát triển bền vững ngành than.
      Năm 2010, Viện đã triển khai áp dụng CGH đồng bộ tại hai mỏ Vàng Danh và Nam Mẫu, nhằm thử nghiệm công nghệ trong điều kiện vỉa dày, độ dốc đến 35 độ, tạo cơ sở nghiên cứu, thiết kế chế tạo trong nước giàn chống CGH phù hợp điều kiện địa chất - kỹ thuật mỏ các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh. Thực tiễn áp dụng CGH tại một số mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh cho thấy, sản lượng khai thác tăng 1,5 - 1,8 lần so với lò chợ chống giá khung thủy lực di động; số công nhân giảm 1,5 - 2 lần, năng suất lao động tăng 1,5 - 2,5 lần so với lò chợ thủ công. Công nghệ CGH khai thác trong điều kiện vỉa dày, dốc thoải đến nghiêng đang được tiếp tục hoàn thiện để phát huy cao nhất khả năng làm việc của thiết bị và công nghệ để nhân rộng trong điều kiện tương tự ở các mỏ. Việc áp dụng công nghệ mới cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ được thực hiện bằng thiết bị CGH, từ đó giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ. Để hạn chế tăng số lượng công nhân, nhưng phải đáp ứng việc tăng sản lượng than khai thác, nhất thiết phải triển khai áp dụng mạnh mẽ CGH trong khai thác và đào lò.
        Vinacomin luôn xác định khoa học - công nghệ là mũi nhọn, đẩy nhanh CGH trong khai thác, các giải pháp công nghệ khai thác trong điều kiện địa chất phức tạp. Thực hiện mục tiêu này, Vinacomin tích cực chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh CGH khấu than trong lò chợ để từ nay đến năm 2015, ở mỗi mỏ có từ một đến hai lò chợ CGH, công suất tối thiểu đạt 300 -400 nghìn tấn/năm, nếu điều kiện địa chất thuận lợi, nâng lên từ 500 đến một triệu tấn/năm,... Một vấn đề mấu chốt của công tác CGH trong khai thác và đào lò là khả năng bảo đảm phát triển bền vững trong điều kiện mức lương ngày càng tăng của công nhân lao động. Để thu hút nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ đối với thợ lò sẽ được tiếp tục cải thiện, vì vậy việc áp dụng lò chợ CGH có năng suất cao, nhân công thấp là giải pháp thiết thực, lâu dài và ổn định trong quá trình sản xuất của mỏ. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng cơ giới hóa, vẫn còn một số vướng mắc dẫn đến chưa đạt được sản lượng theo thiết kế. Trong quá trình thử nghiệm tại mỏ Vàng Danh và Nam Mẫu, thời gian khai thác chỉ chiếm chưa đầy một nửa quỹ thời gian sản xuất, còn lại là các sự cố gây ách tắc như ảnh hưởng của nước chảy vào lò chợ với lưu lượng lớn. Mặt khác, trình độ tiếp cận kỹ thuật cao của cán bộ, công nhân còn hạn chế, dẫn đến công suất và năng suất lao động trong giai đoạn đầu thử nghiệm chưa cao.
      Để duy trì sự phát triển ngành than bền vững và hiệu quả, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác áp dụng cơ giới hóa khai thác và đào lò tại những khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phù hợp. Trên cơ sở điều kiện địa chất và hiện trạng khai thác, cần tiếp tục triển khai rộng rãi việc khai thác lò chợ CGH tại các mỏ khác và nghiên cứu triển khai đưa CGH khai thác vào một số khu vực có khả năng áp dụng. Ngoài ra, khối lượng đào các đường lò chuẩn bị cũng rất lớn (tổng chiều dài các đường lò dự kiến đào bằng CGH từ nay tới năm 2015 hơn 82 km). Với năng lực đào lò hiện nay, nếu không áp dụng CGH, khó có thể đáp ứng yêu cầu về diện sản xuất và ảnh hưởng đến kế hoạch sản lượng của các công ty. Do đó, trong thời gian tới, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn, còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của các công ty khai thác hầm lò và các cơ quan tư vấn. Các đơn vị trong ngành than cần thăm dò bổ sung, đánh giá chính xác trữ lượng than có khả năng áp dụng CGH; xây dựng trung tâm bảo trì và bảo dưỡng thiết bị, đào tạo thợ cơ khí có tay nghề cao. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho quá trình nghiên cứu, triển khai áp dụng các công nghệ mới; khuyến khích huy động nguồn vốn đầu tư xã hội cho các dự án CGH khai thác và đào lò, tăng cường gắn kết giữa Tập đoàn, đơn vị tư vấn, nghiên cứu với các doanh nghiệp khai thác hầm lò trong quá trình đầu tư và phát triển.

Nguồn: "Báo NDĐT", 16/12/2013

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn