Khoa học và công nghệ vùng Tây Nguyên: Nhiều kết quả khả quan
3:51 CH,14/07/2014
Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3) đã được triển khai từ cuối năm 2011. Sau hơn hai năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

 Thành công lớn nhất của chương trình là công nghệ sản xuất tinh quặng sắt từ bùn đỏ trong khai thác-chế biến bauxit đã đem lại hiệu quả lớn trong sử dụng tổng hợp tài nguyên khoáng sản và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đề tài đã được thử nghiệm thành công ở quy mô công nghiệp “Quy trình công nghệ sản xuất tinh quặng sắt (để sản xuất sắt xốp và thép) từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất Alumin ở Tây Nguyên. Tinh quặng sắt có hàm lượng T-Fe 62% sau khi tuyển từ là nguyên liệu sản xuất gang hoặc sắt xốp (có hàm lượng T-Fe 90%). Mẫu phôi thép được luyện từ sắt xốp đạt tiêu chuẩn Nhật Bản theo mác thép SD 390”. Kết quả nghiên cứu đã mở ra triển vọng thực tế sử dụng tổng hợp tài nguyên và xử lý có hiệu quả vấn đề môi trường khi thực hiện chủ trương khai thác, chế biến bauxite ở nước ta; đã đăng ký bằng phát minh sáng chế và chuyển giao cho Tập đoàn Thép Thái Hưng.

Đề tài TN3/C04 do PGS.TS. Nguyễn Cửu Khoa, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng làm chủ nhiệm đã hoàn thiện quy trình, dây chuyền công nghệ sản xuất phân URE và NPK nhả chậm quy mô pilot. Đề tài đã thử nghiệm sử dụng cho cà phê, chè, cao su, ngô… bảo đảm năng suất cao và giảm lượng phân bón 15-30%; đã ký kết chuyển giao công nghệ tại Hội chợ Techmart Đăk Nông 2013.

Đề tài TN3/C09 Công nghệ vật liệu “đèn LED” tiết kiệm năng lượng phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao do Trung tâm Phát triển công nghệ cao chủ trì. Đề tài được Công ty Bóng đèn Điện Quang hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất và ứng dụng các sản phẩm chiếu sáng LED nói chung và đèn LED-NN (đèn, giàn đèn, buồng nuôi cấy mô) nói riêng. Cụ thể, 4 giàn đèn được chuyển giao cho 3 cơ sở để nuôi cấy mô và nhân giống 7 loại cây trồng.

Ngoài ra, Nhiệm vụ TN3/NV02 “Nghiên cứu thử nghiệm máy bay không người lái UAV để khảo sát và chụp ảnh địa mạo thổ nhưỡng, hiện trạng sử dụng đất và hiện trạng mặt nước khu vực Đà Lạt (Lâm Đồng) và các vùng phụ cận phục vụ bảo vệ môi trường” đã đạt kết quả rất khả quan. Hơn 10.000 bức ảnh được chụp với độ phân giải cao phục vụ cho việc quản lý tổng hợp, quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giám sát cứu hộ cứu nạn, đặc biệt trong điều kiện địa hình hiểm trở, nguy hiểm khó tiếp cận.

Ngoài ra còn nhiều đề tài khác cũng đạt hiệu quả cao như: Ứng dụng thành công quy trình sản xuất phôi bò cao sản invitro; hoàn thành lắp đặt và thử nghiệm thành công một số dịch vụ đa phương tiện và giám sát các thông số môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WIMAX; nghiên cứu triển khai ứng dụng các chế phẩm vi sinh vật đa chức năng, thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf SH-01, chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura vào mô hình canh tác chè, cà phê và hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại một số địa phương của Tây Nguyên…

Nguồn:Báo công thương, ngày 12/7/2014

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn