Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đừng chỉ trông chờ nhà nước
9:26 SA,20/07/2017

Trong chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan Giai đoạn 2 (IPP2), hội thảo đồng sáng tạo “Local E&I Agenda” cũng đã được tổ chức.

Hội thảo nhằm đưa ra những sáng kiến thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và ĐMST tại Việt Nam. Các học viên ToT-HCM và đại diện các startup, các quỹ đầu tư cùng với một số đơn vị, cơ quan nhà nước đã có mặt tại hội thảo.

Bà Trần Thị Thu Hương - Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN và cũng là giám đốc Chương trình IPP2 cho rằng gia đình, nhà trường và xã hội cần thay đổi tư tưởng khuyến khích con em mình chọn những công việc nhàn và an toàn. Thay vào đó, chúng ta cần sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng mới lạ để thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp.

“Bài toán thay đổi về văn hóa đó không phải qua một đêm là có thể làm được, nhưng nếu hôm nay chúng ta không bắt đầu thì hai, ba mươi năm sau chúng ta không có một thế hệ người Việt Nam có tư tưởng mới, dám đột phá" - bà Thu Hương nói.

Nói về hoạt động ĐMST, khởi nghiệp ở TP.HCM, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN nhận định, từ trước đến nay các doanh nghiệp, người dân TP.HCM vẫn luôn thực hiện hoạt động ĐMST, khởi nghiệp kể cả khi hỗ trợ của nhà nước còn hạn chế. Yếu tố quan trọng để thành công là bản thân mỗi người có muốn làm hay không, còn chính sách, hỗ trợ từ nhà nước chỉ đóng góp một phần.

Ông Dũng cho rằng, nhà nước không thể đầu tư hỗ trợ từ A đến Z cho doanh nghiệp mà đó là việc của thị trường. Hỗ trợ quan trọng nhất của nhà nước chính là giúp về mặt thể chế cũng như tác động kết nối hạ tầng, tạo thuận lợi cho kinh doanh, khởi nghiệp.

Đứng từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy - CEO KOVA, Giám đốc điều hành Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Startup Vietnam Foudation (SVF) cũng cho rằng, các thành phần trong hệ sinh thái phải tự chủ động chứ không nên chỉ trông chờ vào nhà nước, cũng đừng nghĩ việc này của người khác.

Theo ông Duy, hiện tại chúng ta có nhiều tổ chức với tinh thần rất cao nhưng mỗi người nhìn một hướng, mỗi người làm một cách và thường không liên kết với nhau.

Xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh cần mọi người chung tay nhìn về một hướng. Từ người làm chính sách, các nhà khoa học cho đến các hoạt động hỗ trợ startup của doanh nghiệp hay các hoạt động đào tạo và nghiên cứu các kiến thức gắn với thực tế xã hội, thị trường của các trường đại học… đều là những yếu tố không thể thiếu để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.

Nguồn: Theo Khám phá, ngày 19/7/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn