Nhà khoa học cần chung sức, hợp tác để sản phẩm ra thị trường
5:00 CH,21/07/2017

Để sản phẩm nghiên cứu phát triển, cần cả yếu tố công nghệ và mô hình kinh doanh tốt.

Đây là chia sẻ của ông Phạm Duy Hiếu, Tổng giám đốc Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) tại Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp của nhà khoa học” tổ chức sáng 19/07.

“Hành trình biến ý tưởng sáng tạo trở thành một sản phẩm mẫu, rồi đến thị trường và được chấp nhận... nhà khoa học cần phải có sự hỗ trợ của chuyên gia các lĩnh vực như tài chính, marketing, nhà đầu tư… Đây là những nhân tố để xây dựng mô hình kinh doanh – điều quyết định đến tính thương mại của sản phẩm từ nghiên cứu khoa học”, ông Hiếu chia sẻ.

Để cụ thể hóa suy nghĩ đó, ông Hiếu kể lại câu chuyện về chuyến đi Thụy Sỹ của mình cách đây không lâu. Một nữ tiến sỹ ở đất được này có một tập bản thảo chi tiết về sản phẩm là chiếc giường có khả năng chữa trị ung thư vú, tuy nhiên bà không biết phải làm thế nào để tạo ra chiếc giường thật vì bà không phải là một kỹ sư thiết kế.

Vị nữ tiến sỹ này đã đến một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại Thụy Sỹ và được các kỹ sư ở đây hỗ trợ thiết kế sản phẩm thật. Sau đó, dự án này được một quỹ khởi nghiệp đầu tư và tiến hành thương mại hóa.

“Từ một ý tưởng trên giấy, cần phải có nhiều bên cùng hợp sức vào để có thể tạo ra sản phẩm thực tế và thâm nhập thị trường”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu chia sẻ thêm, theo thống kê, tại Thung lũng Silicon Valley (Hoa Kỳ) mỗi ngày có đến 3.000 doanh nghiệp thành lập. Điều này thể hiện sự hợp lực chung sức của rất nhiều con người lớn như thế nào.

Facebook hiện nay đã được định giá hàng tỉ đô la vì ông chủ Mark Juckergberg chỉ sở hữu 20% cổ phần, 80% cổ phần còn lại là của những con người đang từng ngày tạo ra giá trị cho công ty này.

“Điều kiện của phép nhân là phép chia. Khi con người chia sẻ nguồn lực về cơ hội kinh doanh, mối quan hệ, kênh phân phối… tức là đang hướng đến tạo ra những phép nhân trong doanh nghiệp của mình”- ông Hiếu nói.

Khi được hỏi về con đường khởi nghiệp, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA chia sẻ, bà xuất thân là người làm khoa học. Bà khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Cách đây 20 năm, bà sang Mỹ chỉ với 500 đô la và 1 thùng mỳ gói. Bà đã sống chỉ với những thứ đó suốt 2 tháng trời. Thậm chí có đêm bà phải ngủ ở sân bay. Sau những chuỗi ngày khó khăn, bà đã ký được một hợp đồng hợp tác sản xuất sơn chống thấm với các đối tác tại Mỹ.

Bà bắt đầu bán xe máy, vay vốn cá nhân để nghiên cứu sản xuất sơn.

"Nhờ những chuyến đi, những sự kết nối, hợp tác với một doanh nghiệp sơn ở Mỹ, tôi đã mang kết quả nghiên cứu của mình đưa ra thị trường và được chấp nhận. Sản phẩm được tạo ra không có yếu tố khoa học công nghệ thì khó thành công. Nhà khoa học mà không biết chung sức, hợp tác thì sản phẩm không thể nào ra được thị trường”, TS Hòe nhận định.

Ông Heff Hoffman, nhà sáng lập nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, giải trí như Priceline.com, uBid.com ví von, doanh nghiệp như một đội bóng đá: “Mỗi vị trí trên sân đều do những người có khả năng chuyên môn đảm trách. Không ai có thể giỏi trong tất cả các vị trí. Vì thế mỗi cá nhân cần có sự phối hợp tuyệt vời nhất với những người đồng sự của mình để tạo ra một tập thể mạnh”.

Nguồn: Theo Khám phá, ngày 20/7/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn