Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Tác động của chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả của Đức và bài học cho Việt Nam 3:12 PM,9/29/2017

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng truyền thống và mối đe dọa của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển nền kinh tế xanh. CHLB Đức là quốc gia đi đầu trong vấn đề này và đã thu được nhiều thành công. Quyết tâm xây dựng nền kinh tế năng lượng xanh của Đức thể hiện bằng việc tập trung phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Bài viết tập trung phân tích các công cụ thực hiện chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả, tác động của các chính sách này và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Công cụ thực hiện chính sách hiệu quả năng lượng quốc gia của Đức
Chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả của Đức nhấn mạnh mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng so với năm cơ sở 2008, đặc biệt là giảm 20% lượng tiêu thụ năng lượng sơ cấp (PEC) vào năm 2020 và 50% vào năm 2050. Ở cấp độ châu Âu, Chính phủ Đức đã cam kết đạt chỉ tiêu của EU là giảm 20% lượng tiêu thụ năng lượng vào năm 2020 và 27% vào năm 2030, tiết kiệm năng lượng của người dùng cuối là 1,5%/năm và nâng cao hiệu suất năng lượng trong chuyển đổi, truyền tải và phân phối [1]. Những mục tiêu này là cần thiết để đưa Đức tiến lên con đường "tăng trưởng xanh" và đạt được cả hai lợi ích về năng lượng/môi trường và kinh tế. Đức là quốc gia thực hiện kết hợp nhiều loại công cụ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cụ thể như:
Cung cấp thông tin và tư vấn
Đây là công cụ chính của chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả của Đức. Việc cung cấp thông tin mang tính độc lập và tin cậy, giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình và khu vực công hiểu rõ, đánh giá được mức tiêu thụ năng lượng của họ và các tác động của các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư. Thông thường, Chính phủ liên bang quảng bá thông tin và các dịch vụ tư vấn đến các nhóm mục tiêu như hộ gia đình thông qua tổ chức bảo vệ người tiêu dùng hay tổ chức kiểm tra tiết kiệm điện. Đến cuối năm 2015, tổ chức kiểm tra tiết kiệm điện này còn cung cấp và cài đặt miễn phí các thiết bị tiết kiệm năng lượng đơn giản cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trợ cấp mua tủ lạnh tiết kiệm điện trong một số trường hợp nhất định.
Chính phủ liên bang, Hiệp hội các Phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK) và Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Đức (ZDH) đã hỗ trợ Chương trình tư vấn năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung và tổ chức sáng kiến của doanh nghiệp vừa và nhỏ về chuyển đổi năng lượng và bảo vệ khí hậu nói riêng, để đưa ra các mục tiêu cụ thể cho từng doanh nghiệp. Chính phủ liên bang cũng tài trợ cho các chiến dịch hiệu quả năng lượng toàn diện do Cơ quan năng lượng Đức thực hiện, cung cấp thông tin bổ sung cho các nhóm mục tiêu (hộ gia đình, doanh nghiệp...).
Ưu đãi tài chính cho các doanh nghiệp
Các ưu đãi tài chính cụ thể cho phép các nhóm mục tiêu đưa ra các biện pháp hiệu quả về năng lượng trong các lĩnh vực ứng dụng, khuyến khích thay đổi hành vi, áp dụng vào thực tiễn. Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) thực hiện nhiều chương trình hiệu quả năng lượng trong cải tạo và xây dựng, trong đó Chương trình giảm phát thải CO2 là công cụ tài trợ lớn nhất. Chính phủ hỗ trợ bằng việc cung cấp các khoản vay lãi suất thấp hoặc trả nợ một phần hoặc hỗ trợ đầu tư khác. Chương trình hỗ trợ thị trường năng lượng tái tạo có tác động thúc đẩy đầu tư vào sử dụng năng lượng tái tạo chủ yếu ở các tòa nhà. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp của KfW để đầu tư cho các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả.
Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn mới
Pháp lệnh Tiết kiệm năng lượng của Đức đã quy định các tiêu chuẩn cho sản phẩm mới, trong đó sử dụng nhiều tiêu chuẩn do EU thiết lập. Những yêu cầu tối thiểu về chất lượng của hoạt động năng lượng trong xây dựng và lắp đặt kỹ thuật của các tòa nhà mới, cải tạo quy mô lớn các tòa nhà hiện có cũng đã được quy định trong pháp lệnh này. Bên cạnh đó, Đức thực hiện các điều khoản mở rộng hơn của EU về dán nhãn năng lượng cho sản phẩm, đảm bảo cho người tiêu dùng nhận biết về hiệu suất năng lượng trước khi mua, qua đó đảm bảo tính minh bạch và tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà sản xuất thiết kế nhiều sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn.
Xây dựng công cụ giá và cơ chế khuyến khích
Các tác động tới môi trường của việc tiêu thụ năng lượng được chuyển vào trong giá năng lượng thông qua thuế sử dụng năng lượng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng năng lượng. Đồng thời, miễn thuế cũng được áp dụng để không làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của các hãng sản xuất và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Ví dụ, trợ cấp chỉ được coi như là một phần ưu đãi thuế theo Luật thuế năng lượng và Luật thuế điện nếu như các doanh nghiệp có vận hành hệ thống quản lý năng lượng và môi trường hay toàn bộ ngành sản xuất giảm được cường độ năng lượng phù hợp với các chỉ tiêu theo quy định.
Từ năm 2011, Chính phủ Đức đã đưa ra nhiều biện pháp ưu đãi tài chính để thúc đẩy phương tiện di chuyển bằng điện (Electromobility), như miễn thuế ô tô và tất cả các loại xe chạy điện từ 5 đến 10 năm. Biện pháp này giúp giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải của ngành giao thông, đồng thời khuyến khích phát triển thị trường xe điện thân thiện với môi trường.
Hợp tác quốc tế về sử dụng năng lượng hiệu quả
Cùng với các nước công nghiệp khác, Đức cũng dẫn đầu trong việc phát triển và phổ biến các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả ở cấp độ quốc tế. Đức cũng tìm kiếm sự hỗ trợ trong vấn đề chuyển đổi năng lượng. Đức đã tham gia hợp tác năng lượng song phương với các quốc gia sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ năng lượng lớn. Quan hệ đối tác về năng lượng kéo theo các cuộc đối thoại về chính sách năng lượng, cơ cấu năng lượng cấp chính phủ với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và ngành công nghiệp. Các quốc gia hợp tác song phương với Đức trong lĩnh vực này bao gồm: Ấn Độ, Trung Quốc, Braxin, Nga, Nam Phi, Morocco, Tunisia, Kazakhstan, Nigeria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở cấp độ đa phương, Đức là một thành viên tích cực trong Đối tác quốc tế về hợp tác hiệu quả năng lượng (IPEEC). Chính phủ liên bang cũng tham gia các sáng kiến khác nhau về hiệu suất năng lượng trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA). Bên cạnh đó, Đức cũng hợp tác với các đối tác ở châu Âu và Ủy ban châu Âu để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại châu Âu.
Tài trợ cho các nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng
Mục tiêu tài trợ cho các nghiên cứu về năng lượng là thúc đẩy vị trí dẫn đầu của các công ty Đức về công nghệ năng lượng hiện đại. Bên cạnh đó, nghiên cứu năng lượng cũng đóng góp vào đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng khả năng cung cấp điện phù hợp với những thông số thay đổi trong lĩnh vực năng lượng. Theo Chương trình nghiên cứu năng lượng lần thứ 6 (năm 2013), Chính phủ liên bang đã phân bổ khoảng 297 triệu Euro cho các dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả trên toàn bộ chuỗi cung cấp năng lượng - từ vận chuyển, phân phối và lưu trữ đến sử dụng cuối trong các lĩnh vực khác nhau.
Các hoạt động của các bang, thành phố và sáng kiến tư nhân
Rất nhiều hoạt động tại các bang và thành phố đang góp phần cùng với Chính phủ nâng cao việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Các bang đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện Pháp lệnh tiết kiệm năng lượng và Quy hoạch sinh thái châu Âu, trong khi Liên bang chịu trách nhiệm giám sát thực hiện. Chính phủ liên bang chú trọng việc trao đổi chặt chẽ với các bang và có sự phối hợp chặt chẽ với các nhóm công tác của chính phủ, thu hút sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp và môi trường, các tổ chức phúc lợi xã hội - nơi đóng vai trò khởi đầu và thực hiện thành công các dự án nâng cao hiệu suất năng lượng.
Tác động của chính sách hiệu quả năng lượng
Tác động đến tiêu thụ năng lượng
Theo ước tính ban đầu của Nhóm công tác về cân bằng năng lượng thuộc Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang, các chính sách đã có tác động tích cực đến giảm tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở Đức. Các tính toán kịch bản khác nhau cho thấy, tiêu thụ năng lượng sơ cấp sẽ giảm 7,2-10,1% vào năm 2020 so với năm cơ sở 2008 [2].
Giảm tiêu thụ năng lượng sơ cấp vào năm 2020 cho thấy bức tranh tổng thể về sản xuất và tiêu thụ năng lượng, đo lường lượng năng lượng cần thiết để sản xuất và phân phối cho tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Do đó, tiêu thụ năng lượng sơ cấp có thể giảm thông qua giảm tiêu thụ năng lượng cuối cùng và phụ thuộc khá nhiều vào mức độ tạo ra, sử dụng năng lượng tái tạo. Để giảm tiêu dùng năng lượng cuối cùng, NAPE đưa ra các chỉ tiêu tiêu dùng năng lượng hiệu quả cho các ngành và hộ gia đình, đồng thời đề ra chỉ tiêu sản xuất năng lượng tái tạo, qua đó tăng hiệu quả chuyển đổi năng lượng.
Tác động đối với tăng trưởng xanh
Theo số liệu của Ngân hàng thế giới năm 2014 [3], tỷ trọng năng lượng sạch chiếm 11,72% tổng tiêu thụ năng lượng ở Đức và để tạo ra 1.000 USD GDP, nước này chỉ cần 87,05 kg năng lượng (quy đổi ra dầu), tức là tiêu tốn ít năng lượng nhất trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu so với Nhật Bản (92,99 kg), Trung Quốc (175,31 kg) và Hoa Kỳ (134,2 kg). Năm 2011, lượng phát thải khí CO2 của Đức là 8,95 tấn/người, cao hơn của Trung Quốc (7,23 tấn), nhưng thấp hơn Nhật Bản (9,32 tấn) và Hoa kỳ (17,02 tấn).
Nghiên cứu của M. Ringel et al. (2016) [1] cho thấy, tiết kiệm năng lượng được chuyển thành tiền có thể lên tới 18 tỷ euro vào năm 2020 trong lĩnh vực công nghiệp và các hộ gia đình ở Đức nhờ giảm chi phí nhiên liệu do các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Kết quả này có thể tạo thêm 0,4-2,6% GDP cho nền kinh tế Đức. Phân tích đầu vào, đầu ra cho thấy, khu vực chính được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này là ngành xây dựng, tiếp theo là xử lý dữ liệu, điện tử và quang học, hóa chất và dược phẩm. Những tác động tích cực này cho thấy, hiệu quả năng lượng góp phần duy trì nhu cầu trong nước cũng như tăng cường cơ hội xuất khẩu, qua đó đóng góp vào tăng trưởng xanh của Đức.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ phân tích về chính sách hiệu quả năng lượng của Đức cũng như những kết quả mà quốc gia này đã đạt được nhằm xây dựng nền kinh tế năng lượng xanh, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Việt Nam cần đặt mục tiêu rõ ràng, cụ thể và thực hiện những chính sách cụ thể nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Thứ hai, chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả cần được các cấp, các ngành tiến hành đồng thời với các chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Chính sách này cần dựa trên 3 trụ cột chính: An ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững.
Thứ ba, để đạt được mục tiêu về tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Nhà nước cần xây dựng được bộ công cụ mạnh và phối hợp sử dụng chúng đa dạng nhằm thực hiện chính sách hiệu quả năng lượng ở cấp quốc gia và địa phương. Các cơ quan từ Trung ương tới địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là huy động sự tham gia, giám sát của doanh nghiệp, các nhóm xã hội và người dân trong quá trình thực thi.
Thứ tư, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đa dạng, linh hoạt nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình thông qua các chính sách miễn, giảm thuế, cung cấp tài chính qua các chương trình, chiến dịch cụ thể về sử dụng năng lượng hiệu quả. Cần có cơ chế khuyến khích hình thành các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp tiếp cận thông qua việc xác định các nhóm đối tượng khác nhau và có hình thức cung cấp thông tin phù hợp.
Thứ năm, học tập kinh nghiệm của Đức, Việt Nam nên khai thác lợi thế của việc hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong thực hiện chính sách năng lượng nói chung và chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả nói riêng.
Thứ sáu, Nhà nước cần tài trợ cho các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu có liên quan trực tiếp nhằm phát triển các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, qua đó thu hút các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ này trong sản xuất kinh doanh.
Thứ bảy, chính sách hiệu quả năng lượng của Đức được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhiều trợ cấp và ưu đãi tài chính. Điều này gây rủi ro lớn cho mục tiêu tạo việc làm xanh khi không còn trợ cấp. Theo báo cáo của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức [2], số việc làm trong ngành năng lượng tái tạo năm 2013 đã giảm 7% so với năm 2012, tập trung ở ngành chế tạo tấm năng lượng mặt trời do nhiều doanh nghiệp phá sản, không trụ được bởi doanh nghiệp theo đuổi mục đích thu lợi nhuận trước mắt nhờ chính sách là chính. Đây là một bài học kinh nghiệm lớn cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển nền kinh tế xanh.

    Nguồn: Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam

Send Print  Back
The news brought
NASA phát hiện hệ sao thần kỳ chứa lỗ đen cực lớn 9/28/2017
Công viên năng lượng Mặt trời lớn nhất Costa Rica đi vào hoạt động 9/28/2017
Khoa học sắp tạo ra điện từ loại rác không ai "dám" tái chế 9/28/2017
Phát triển năng lượng tái tạo: Rào cản từ cơ chế 9/27/2017
Nghiên cứu biến năng lượng sóng biển thành điện năng 9/26/2017
Sản xuất điện từ mặt đường khi xe cộ qua lại 9/22/2017
Thiên thạch khổng lồ khiến Trái đất nóng tới 2.300 độ C 9/22/2017
Đan Mạch hỗ trợ tích cực cho phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam 9/21/2017
Thêm cơ hội xử lý tro xỉ than nhiệt điện 9/20/2017
Hà Nội: Bảo đảm nguồn cung xăng E5 9/20/2017
Ưu tiên phát triển công nghệ cao 9/20/2017
Sắp có nhiên liệu sạch làm từ ánh sáng và chất béo 9/18/2017
EVN đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải và có dự phòng 9/15/2017
Điện lực Hà Nam: Đáp ứng đủ điện cho phát triển công nghiệp 9/15/2017
Mặt trời đang phát ra bức xạ mạnh nhất từ trước đến nay 9/15/2017













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 121061237 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn