Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, thủy điện hiệu quả bền vững 2:57 PM,10/5/2017

Sáng ngày 5/10, Hội thảo "Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - hiệu quả - bền vững" do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội; thu hút gần 400 đại biểu tham dự.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Tùng; PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo một số địa phương; các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa khá cao, số giờ nắng trong năm từ 1.400 - 3.000 giờ với nhiệt độ bình quân năm trên 21oC và 3/4 lãnh thổ là địa hình đồi núi, phân cắt mạnh đã hình thành hơn 3.450 sông, suối. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn (về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm) và có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo (NLTT) khác như gió, mặt trời, sinh khối,... Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý.

Các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (năm 2016, đã đóng góp khoảng 44% công suất và gần 40% điện lượng; trong 8 tháng đầu năm 2017, đã đóng góp trên 40% công suất và điện lượng cho hệ thống điện), điều tiết hợp lý giá điện ở nước ta; tạo ra nhiều công việc và thu nhập cho lực lượng lao động trên cả nước; đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước,... Tại một số tỉnh (như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng...), các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách.

Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm,...) và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh. Nhìn chung, việc phát triển thủy điện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; người dân tái định cư ngày càng ổn định cuộc sống, tăng thu nhập của người dân địa phương.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thủy điện mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm. Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác; năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận. 

Theo báo cáo của Cục Điện lưc & Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, loại bỏ 468 dự án, vị trí tiềm năng, hoặc không xem xét đưa vào quy hoạch với công suất khoảng 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội,... (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp).

Bộ Công Thương cũng tăng cường công tác quản lý, giám sát các công trình thủy điện; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp đảm bảo các chủ đầu tư, nhà máy thủy điện chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý vận hành các nhà máy thủy điện, quy định về an toàn hồ đập, công tác trồng bù rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, phòng chống bão lụt...

Bên cạnh đó, để đảm bảo đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế xã hội với mức tăng trưởng cao, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển nguồn điện, Bộ Công Thương cũng đã tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác. Điển hình là cơ chế giá điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, chất thải rắn... theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 25/11/2015; Điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016...

Đại diện Ban tổ chức cho biết, hội thảo được tổ chức với mục đích góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về năng lượng nói chung, thủy điện, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch nói riêng nhằm đảm bảo điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước bền vững, phù hợp với các cam kết quốc tế về môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội thảo được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội cho các nhà quản lý từ trung ương tới địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp liên quan trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về khung khổ pháp lý nhằm khắc phục những tồn tại từ trước tới nay trong lĩnh vực thủy điện, năng lượng tái tạo; đồng thời phát huy hiệu quả các dự án công trình thủy điện nhỏ, năng lượng tái tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; hay tăng cường công tác quản lý, giám sát nhà nước toàn diện, thống nhất từ trung ương đến địa phương về quy hoạch, quản lý, đầu tư, tư vấn, thiết kế, phê duyệt, kiểm tra, giám sát thi công xây dựng các công trình, dự án năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện nhỏ; hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, giảm thiệt hại cho cộng đồng cư dân vùng dự án và hạ lưu các thủy điện.

Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2030 với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, đến năm 2020, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của Việt Nam cần đạt 265-278 tỷ kWh và đạt 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Như vậy đến 2020, tổng công suất các nhà máy điện đạt khoảng 60.000 MW. Năm 2030 phải đạt khoảng 129.500 MW. Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, tổng công suất các nguồn thủy điện sẽ đạt khoảng 21.600MW; khoảng 24.600MW vào năm 2025 và 27.800MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng tương ứng là 29,5-20,5% và 15,5%. Về năng lượng tái tạo, phấn đấu đến 2020, điện mặt trời đạt 850MW, điện gió đạt 800 MW; đến 2030 điện mặt trời đạt 12.000 MW. 

Hội thảo cũng là cơ hội để lắng nghe các ý kiến đóng góp nhằm xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thủy điện nhỏ nhằm tận dụng, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên nước, gió, mặt trời, sinh khối.... để phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và dần thay thế năng lượng được sản xuất từ các công nghệ cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp. Thúc đẩy xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt ở vùng khó khăn; góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương cũng như của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh điện hạt nhân đã dừng; nhiệt điện than còn một số tồn tại cần khắc phục. Hình thành và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, môi trường, công nghiệp phụ trợ; Từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến thay thế cho thiết bị nhập khẩu.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - đưa ra 5 giải pháp để phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện nhỏ ở Việt Nam: Một là, nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch các công trình thủy điện đang vận hành khai thác; Hai là,tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật; Ba là, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành; Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác; Năm là, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng sớm xem xét để bổ sung, điều chỉnh các nghị định, thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững; xem xét việc thu hút đầu tư vào thủy điện nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên để phát triển NLTT, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề xuất một số ý kiến như: Tiếp tục hoàn thiện, tạo lập các cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn điện và lưới điện; Các địa phương cân đối, bố trí quỹ đất cho các dự án điện theo quy hoạch; Quy hoạch về phát triển nguồn điện NLTT cấp tỉnh, cấp quốc gia; Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành liên quan đến công tác thiết kế, vận hành… các nguồn điện NLTT; Tiêu chuẩn đấu nối lưới điện của các nguồn NLTT; Các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị được phép tham gia vào phát và truyền tải điện từ nguồn NLTT...; Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển NLTT; Các chính sách ưu đãi về đầu tư (vốn, thuế, đất đai…); Các cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, phân phối điện và các công cụ đảm bảo sự vận hành ổn định của hệ thống điện; Nghiên cứu phát triển các nguồn tích trữ năng lượng, thủy điện tích năng, song song, đồng bộ với phát triển NLTT; Các cơ chế, chính sách đảm bảo sự phát triển NLTT gắn liền với các yếu tố đảm bảo hiệu quả chung của Hệ thống điện và chi phí hệ thống; Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định về cơ chế đấu giá dự án NLTT.

Nguồn: Báo Công thương

Send Print  Back
The news brought
Hệ thống năng lượng Mặt trời có thể tái sinh nhiên liệu CO2 làm ethanol và ethylene 10/4/2017
Sản xuất công nghiệp tại Lào Cai khởi sắc 10/4/2017
Thủy điện EVN và sứ mệnh lịch sử 10/3/2017
Ngành than quyết liệt cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất 10/3/2017
Nhật biến đại dương thành nguồn sản xuất điện 9/29/2017
Tác động của chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả của Đức và bài học cho Việt Nam 9/29/2017
NASA phát hiện hệ sao thần kỳ chứa lỗ đen cực lớn 9/28/2017
Công viên năng lượng Mặt trời lớn nhất Costa Rica đi vào hoạt động 9/28/2017
Khoa học sắp tạo ra điện từ loại rác không ai "dám" tái chế 9/28/2017
Phát triển năng lượng tái tạo: Rào cản từ cơ chế 9/27/2017
Nghiên cứu biến năng lượng sóng biển thành điện năng 9/26/2017
Sản xuất điện từ mặt đường khi xe cộ qua lại 9/22/2017
Thiên thạch khổng lồ khiến Trái đất nóng tới 2.300 độ C 9/22/2017
Đan Mạch hỗ trợ tích cực cho phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam 9/21/2017
Thêm cơ hội xử lý tro xỉ than nhiệt điện 9/20/2017













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 121052150 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn